Tăng 'sức đề kháng' cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tuy đứng đầu về số lượng nhưng với đặc thù hạn chế về nguồn vốn, trình độ công nghệ, mặt bằng sản xuất nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa cao; dễ bị 'tổn thương' do tác động của các yếu tố bất lợi. Vì vậy, các sở, ban, ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Bốc xếp sản phẩm tại Công ty CP Đúc Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên).

Bốc xếp sản phẩm tại Công ty CP Đúc Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên).

Đồng bộ nhiều giải pháp

Toàn tỉnh hiện có trên 10 nghìn doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nhằm tăng “sức đề kháng” cho DN, năm 2021, tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Bám sát mục tiêu của Đề án, các sở, ban, ngành của tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DNNVV về cải cách hành chính, thương mại dịch vụ, thuế, khoa học - công nghệ...

Trong cải cách hành chính, hằng năm, các sở, ban, ngành thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) nhằm đề xuất, kiến nghị cắt giảm, đơn giản các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh…

Sở Công Thương là đơn vị luôn đứng thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính hàng năm cấp sở, ngành, địa phương. Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở, cho biết: Đến nay, Sở đã thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết đối với 10 TTHC. Ví dụ như TTHC cấp sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã giảm thời gian giải quyết từ 20 ngày làm việc xuống còn 15 ngày làm việc; thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (quy mô dưới 3 triệu lít/năm) giảm thời gian giải quyết từ 15 ngày làm việc xuống còn 12 ngày; thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG giảm thời gian giải quyết TTHC từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày...

Cùng với đẩy mạnh cải cách TTHC, giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã triển khai tốt việc hỗ trợ DNNVV trên các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, thuế, khoa học - công nghệ.

Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, tỉnh đã xây dựng 5 đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia (bao gồm Đề án hệ thống hỗ trợ quản lý hoạt động cụm công nghiệp trực tuyến tỉnh; quảng bá chỉ số phát triển thương mại điện tử cấp huyện; phần mềm khảo sát mức độ chuyển đổi số của DN; hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh xúc tiến bán hàng trực tuyến, bằng giải pháp tiếp thị đa kênh 11 bộ giải pháp và Đề án hỗ trợ DN ứng dụng các bộ giải pháp hoàn tất đơn hàng.

Còn trong lĩnh vực thuế, các DNNVV mới thành lập được hỗ trợ tư vấn miễn phí thủ tục về thuế khi thay đổi, tạm ngừng, chấm dứt hoạt động kinh doanh; DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài theo quy định; được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về TTHC thuế khi mới thành lập và trong quá trình hoạt động nếu có nhu cầu...

Tương tự lĩnh vực khoa học công nghệ, trong 3 năm qua, ngành chức năng của tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ cho trên 500 tổ chức, cá nhân về các thủ tục hồ sơ và quy định đăng ký sở hữu trí tuệ, công bố hợp chuẩn, hợp quy, đăng ký sử dụng mã vạch, an toàn bức xạ và hạt nhân; hướng dẫn, hỗ trợ 20 DN tiềm năng có thể phát triển thành DN khoa học và công nghệ…

Những kết quả tích cực

Qua hơn 3 năm thực hiện Đề án hỗ trợ DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, đến nay một số mục tiêu đã hoàn thành như: Tạo thêm việc làm mới từ 10.000 - 12.000 lao động; hàng năm có trên 800 DN thành lập mới; thu ngân sách nhà nước từ khối DNNVV tăng bình quân 10-12%; hỗ trợ DNNVV nâng cao nhận thức về chuyển đổi số...

Kết quả đạt được cho thấy các giải pháp đồng bộ của tỉnh đã, đang tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DNNVV phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng, tiếp tục phát huy vai trò là thành phần kinh tế chủ lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, các DN cũng kiến nghị chính quyền nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phục vụ các dự án thuộc diện phải thu hồi đất; các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN cần được triển khai rộng rãi, phổ biến và kịp thời hơn nữa; tăng cường thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả đối với từng cơ quan, địa phương trong thi hành công vụ...

Hoàng Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/tang-suc-de-khang-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-0022b08/
Zalo