Ngành Hải quan thu ngân sách dự kiến tăng 13,9% so với cùng kỳ

Với những nỗ lực và tích cực triển khai các giải pháp, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) đến 10/12/2024 đạt 397.861 tỷ đồng, bằng 106,1% dự toán được giao, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2024. Ước cả năm đạt 420.000 tỷ đồng bằng 112% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Những kết quả này của năm 2024 là tiền đề để năm 2025 bứt phá trong công tác thu.

Kết quả thu ngân sách là tiền đề bứt phá trong năm 2025

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, năm 2024, dù còn có nhiều khó khăn nhưng toàn ngành Hải quan đã đoàn kết, quyết tâm triển khai công việc, kết quả, năm 2024 toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, thu ngân sách nhà nước tăng 12%, công tác cải cách thủ tục hải quan đã góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, công tác chống buôn lậu cũng đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, an ninh an toàn cộng đồng được đảm bảo.

 Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025.

Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025.

Theo Cục trưởng Cục Thuế XNK Lê Như Quỳnh, năm 2024, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 là 375.000 tỷ đồng. Tổng cục Hải quan dự kiến thu NSNN năm 2024 đạt 418.000 – 420.000 tỷ đồng, bằng 111,5 % - 112 % dự toán được giao, tăng 13,4% - 13,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo bà Quỳnh, năm 2024, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký. Do đó, kim ngạch XNK của cả nước tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tổng kim ngạch XNK chịu thuế tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, kim ngạch NK của một số nhóm hàng hóa đóng góp số thu lớn tăng mạnh khiến cho số thu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tại nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng NK phục vụ sản xuất ghi nhận đạt 72 tỷ USD, chiếm 55% tổng kim ngạch NK chịu thuế, tăng 18,3% so với cùng kỳ, làm tăng thu ngân sách khoảng 32.500 tỷ đồng. Hay tại nhóm mặt hàng than các loại NK đạt 58,5 triệu tấn, trị giá 7,1 tỷ USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 8,2% về trị giá, làm tăng thu khoảng 2.600 tỷ đồng; nhóm dầu thô NK đạt 12,3 triệu tấn, trị giá 7,5 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 19,4% về trị giá, làm tăng thu khoảng 3.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng có một số nhóm hàng chiếm tỷ trọng tương đối lớn nhưng số thu giảm so với cùng kỳ như: xăng dầu đạt 7,4 triệu tấn, trị giá 5,7 tỷ USD, giảm 2,4% về lượng và giảm 9,5% về trị giá, làm giảm thu khoảng 3.200 tỷ đồng; sữa và sản phẩm sữa giảm 2,5% về trị giá, làm giảm thu khoảng 200 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm 2024 tỷ giá liên tục tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân tăng thu thuế từ hàng hóa XNK, ước tính cả năm tăng thu do tỷ giá khoảng 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngày 28/12/2023 Chính phủ tiếp tục cho giảm thuế GTGT một số mặt hàng theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP làm giảm thuế GTGT năm 2024 giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.

Dù vậy, nhằm thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 371/CT-TCHQ.

Công chức Chi cục Hải quan Vũng Áng giám sát, kiểm tra mặt hàng thép XK tại cảng nước sâu Sơn Dương. Ảnh: H. Nụ

Công chức Chi cục Hải quan Vũng Áng giám sát, kiểm tra mặt hàng thép XK tại cảng nước sâu Sơn Dương. Ảnh: H. Nụ

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hóa, chính sách thuế (hàng có thuế suất cao, hàng dễ nhầm lẫn về mã HS, hàng hóa thuộc các đối tượng được hưởng ưu đãi thuế) để xác định các nhóm hàng, mặt hàng trọng điểm có rủi ro cao trong khai báo về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hóa và đưa những DN có rủi ro cao trong hoạt động XNK vào luồng Vàng, luồng Đỏ để thực hiện kiểm tra tại khâu thông quan nhằm ngăn chặn tình trạng khai báo sai số lượng, trọng lượng, chủng loại và tên hàng với mục đích gian lận, trốn thuế...Thực hiện rà soát, đánh giá mức độ rủi ro và tổ chức kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế đối với các DN chế xuất, gia công, sản xuất XK và các DN thuộc đối tượng miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế khác trên cơ sở đối chiếu hồ sơ miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế với các quy định; rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2024, đồng thời không để phát sinh nợ mới trong năm 2024, đến nay số nợ thuế đã thu hồi và xử lý 738,8 tỷ đồng. Trong đó, một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố có kết quả thu hồi nợ thuế tốt như: TP. Hồ Chí Minh 195 tỷ đồng, Bắc Ninh 100 tỷ đồng, Bình Dương 105 tỷ đồng, Hà Nội 92 tỷ đồng.

Bà Lê Như Quỳnh cho biết, năm 2025, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 159/2024/QH15 ngày 13/11/2024 là 411.000 tỷ đồng; dự toán 2025 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6,5-7%; giá dầu thô 75 – 80 USD/thùng. Để tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ thu trong năm 2025, Cục trưởng Lê Như Quỳnh cho rằng, cơ quan Hải quan cần lưu ý 3 mục tiêu chính nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN. Trong đó, cần tăng cường chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chú trọng trong xây dựng pháp luật về chính sách thuế và pháp luật về quản lý thuế. Cụ thể, năm 2025 tập trung tổng kết đánh giá đề xuất sửa đổi Luật Thuế XK, thuế NK, Luật Quản lý thuế để đề xuất hoàn thiện Luật. Để quản lý thuế hiệu quả, các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan cần nghiên cứu thấu đáo mô hình thông quan tập trung, các nghiệp vụ về thuế gắn với thông quan, các thủ tục về quản lý thuế liên kết thông tin với thông quan đảm bảo đồng bộ, làm cơ sở cho số hóa chứng từ, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan. Đơn vị khối hải quan địa phương cũng cần căn cứ đặc điểm tình hình của địa bàn quản lý, xác định các phương án xử lý phù hợp về phân công thực thi nhiệm vụ, hoàn thiện dần các điều kiện đảm bảo cho mô hình thông quan tập trung cấp vùng.

Công chức Chi cục Hải quan Vũng Áng giám sát, kiểm tra mặt hàng thép XK tại cảng nước sâu Sơn Dương. Ảnh: H. Nụ

Công chức Chi cục Hải quan Vũng Áng giám sát, kiểm tra mặt hàng thép XK tại cảng nước sâu Sơn Dương. Ảnh: H. Nụ

Cùng với đó, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ hoàn thuế, miễn thuế; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia hoạt động XNK. Đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử 24/7, đảm bảo người nộp thuế có thể nộp tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.

Chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm công tác quản lý thu NSNN ngay từ đầu năm 2025; rà soát, nắm chắc nguồn thu; nghiên cứu và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu NSNN; chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu NSNN. Rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các DN nợ thuế.

Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cũng đánh dấu mốc quan trọng kỷ niệm 80 năm thành lập Hải quan Việt Nam. Bám sát chỉ đạo của lãnh đạo các cấp về triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng cục Hải quan nghiên cứu sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả theo đúng chỉ đạo, định hướng của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính.

Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phấn đấu đạt nhiều thành tích hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Ngành, Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đưa ra phương hướng, giải pháp cụ thể.

Triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới của Hải quan Việt Nam sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả, đúng định hướng của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học trong cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tái thiết kế hệ thống CNTT tổng thể của ngành Hải quan, xây dựng các giải pháp CNTT hỗ trợ các yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa XK, NK, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo hướng quản lý điều hành tập trung tại cơ quan Hải quan.

Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực Hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu NSNN năm 2025; Tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại, công tác QLRR, KTSTQ; công tác thanh tra, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN.

Tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác với hải quan các nước, kiến tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực nghiệp vụ cũng như cải cách hiện đại hóa.

Tổ chức triển khai các giải pháp và hoạt động theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, các Kế hoạch cải cách phát triển hiện đại hóa đến năm 2025 và các hoạt động cải cách, hiện đại hóa trọng tâm năm 2025 của Tổng cục Hải quan.

“Để sớm kiện toàn tổ chức bộ máy đi vào hoạt động theo mô hình mới, đề nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục và các đơn vị tập trung đánh giá tác động về chính sách pháp luật, nghiệp vụ, hệ thống công nghệ thông tin, tổ chức bộ máy, công tác chính sách cán bộ và công tác tài chính, hậu cần đảm bảo. Từ đó, kiến nghị các biện pháp, giải pháp đồng bộ để bộ máy mới đi vào hoạt động theo đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Năm 2025, dự báo nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng lạc quan, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, thách thức xuất phát từ ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu. Nhiệm vụ đặt ra với cơ quan Hải quan là rất nặng nề nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Tài chính, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm và nhiệt huyết của tập thể cán bộ, công chức, toàn ngành Hải quan sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, trọng trách mà Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao phó.

Phan Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/nganh-hai-quan-thu-ngan-sach-du-kien-tang-13-9-so-voi-cung-ky-i753618/
Zalo