Cải cách hành chính ở Tiền Giang: Những dấu ấn nổi bật

Với sự định hướng rõ ràng và hành động quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đây là nền tảng quan trọng để Tiền Giang tiếp tục phấn đấu, thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá 'Phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh CCHC' của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Tất cả thủ tục hành chính đều được công khai. Ảnh: SỬU MINH

Tất cả thủ tục hành chính đều được công khai. Ảnh: SỬU MINH

Để thực hiện hiệu quả khâu đột phá “Phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh CCHC”, 4 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách về hỗ trợ, ưu đãi, thu hút đầu tư; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành các chỉ tiêu về chuyển đổi số...

Trên cơ sở các kế hoạch, chương trình, đề án và mục tiêu lớn mà tỉnh đề ra, thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đã đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện; đồng thời, ban hành kế hoạch thực hiện hằng năm theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Công tác tuyên truyền về CCHC được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như tổ chức hội thi, hội thảo, phát tờ rơi, xây dựng video clip hướng dẫn thực hiện... Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị; trong đó có sở, ngành, đơn vị cấp huyện, mỗi huyện còn kiểm tra các đơn vị cấp xã.

Qua kiểm tra đã kịp thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ CCHC. Hướng đến sự hài lòng của tổ chức, công dân, nhiều cơ quan, đơn vị đã nghiên cứu, áp dụng các mô hình, sáng kiến mới trong CCHC như: Mô hình “Ngày không hẹn”, “Ngày không viết”, “Lễ tân hành chính”, thông báo kết quả giải quyết TTHC trên thiết bị thông minh, mạng xã hội, tin nhắn SMS; giảm mức phí để khuyến khích tổ chức, cá nhân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được đặt lên hàng đầu cùng tinh thần đổi mới liên tục và xuyên suốt là yếu tố quan trọng giúp Tiền Giang đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, năm 2023, Chỉ số CCHC (PAR Index) của tỉnh Tiền Giang đạt 85,77 điểm, xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 3,19 điểm; tăng 3 bậc so với năm 2022), xếp vị trí 8/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số “Cải cách TTHC” năm 2023 của tỉnh vươn lên xếp vị trí 48/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 8 bậc so với năm 2022.

Công tác chuyển đổi số cũng ghi nhận nhiều dấu ấn đậm nét. Tính đến ngày 21-8-2024, hệ thống định danh điện tử ghi nhận trên địa bàn tỉnh có 1.704.824 công dân có thẻ Căn cước công dân và thẻ Căn cước, còn 357.020 công dân chưa cấp thẻ Căn cước; thu nhận và kích hoạt cho 1.185.459 tài khoản định danh điện tử mức 2. Riêng trong 8 tháng năm 2024, tỷ lệ giải quyết 25 TTHC thiết yếu qua dịch vụ công trực tuyến đạt 95,73%, tăng 51,11% so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang hiện xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về chỉ số chuyển đổi số. Riêng năm 2023, đánh dấu một bước chuyển tích cực của tỉnh trong các chỉ số đánh giá quan trọng. Cụ thể: Chỉ số PAR Index đạt 85,77 điểm, tăng 3,19 điểm so với năm 2022 (82,58 điểm); Chỉ số SIPAS đạt 80,25 điểm, tăng 3,69 điểm so với năm 2022 (76,56 điểm); Chỉ số PCI đạt 66,8 điểm, tăng 3,63 điểm so với năm 2022 (63,17 điểm).

Mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số cũng có bước đột phá quan trọng. Hiện nay, 100% hồ sơ công việc của các cơ quan nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng. Các cơ quan nhà nước đã ứng dụng chữ ký số chuyên dùng chữ ký số cơ quan và chữ ký số cá nhân.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của UBND tỉnh được triển khai đến tất cả UBND cấp huyện, cấp xã. 100% cơ quan hành chính nhà nước hoàn thành chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015. 100% văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, của tỉnh được cụ thể hóa và triển khai kịp thời. 100% văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp với quy định của trung ương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, Tiền Giang thực hiện 1.121/1.807 thủ tục (1.022 thủ tục cấp sở, ngành, 99 thủ tục cấp huyện và cấp xã), tỷ lệ 62,04% dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 593 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tất cả dịch vụ công đã được nhập đường link trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được công khai và kết nối với Cổng Dịch vụ công của tỉnh, giúp tổ chức, cá nhân có thể giải quyết TTHC ở mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Đa phần doanh nghiệp, tổ chức đã sử dụng hóa đơn điện tử và triển khai thuế điện tử trên thiết bị di động. Các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh đã triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt và sử dụng hóa đơn điện tử.

Bước tiến mới với những kết quả nổi bật mà tỉnh Tiền Giang đạt được trong thời gian qua là rất phấn khởi. Để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Tiền Giang tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại, tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PHƯƠNG MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202412/cai-cach-hanh-chinh-o-tien-giang-nhung-dau-an-noi-bat-1029467/
Zalo