Tăng 'quyền' cho lao động nữ qua đối thoại

Thông qua thương lượng, đối thoại của tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, có chính sách chăm lo ngày càng tốt hơn quyền lợi cho lao động nữ, góp phần giúp họ ổn định cuộc sống, gắn bó nhiều hơn với doanh nghiệp.

Thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Công đoàn luôn quan tâm tới lực lượng công nhân lao động, đặc biệt là lao động nữ. Thực tiễn cũng cho thấy, việc xây dựng môi trường làm việc công bằng, bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ là rất cần thiết nhằm để góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Thông qua đối thoại, 5 đề xuất về chế độ dành cho lao động nữ cao hơn Luật, đã được Công ty TNHH Tư vấn y dược Quốc tế thông qua, đưa vào TƯLĐTT.

Thông qua đối thoại, 5 đề xuất về chế độ dành cho lao động nữ cao hơn Luật, đã được Công ty TNHH Tư vấn y dược Quốc tế thông qua, đưa vào TƯLĐTT.

Tại thành phố Hà Nội, bà Đặng Thanh Vân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Đống Đa cho biết: Nhằm làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ và nâng cao phúc lợi cho lao động nữ, tháng 7/2024, LĐLĐ quận đã phối hợp với Công đoàn Công ty TNHH Tư vấn y dược Quốc tế tổ chức hội nghị đối thoại. Đáng mừng là sau khi đối thoại, 5 đề xuất về chế độ dành cho lao động nữ cao hơn Luật, đã được lãnh đạo Công ty thông qua, đưa vào Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) của Công ty, bao gồm: (1): Nhất trí mức hỗ trợ cho người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, mức hỗ trợ là 100 nghìn đồng tháng/cháu, áp dụng từ năm 2025; (2) Tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, kỹ năng mềm… cho lao động nữ 1 năm/lần; (3) Có chính sách bố trí công việc hợp lý để hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội 6 tháng cho lao động nữ có bệnh hiểm nghèo hoặc điều trị dài ngày phải nghỉ ở nhà; (4) Mua bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt cho lao động nữ có thời gian gắn bó với Công ty trên 5 năm tùy theo vị trí công việc để được tăng quyền lợi khám chữa bệnh; (5) Ngoài tổ chức khám chuyên khoa phụ sản định kỳ cho lao động nữ 1 năm/1 lần, sẽ khám một số chỉ tiêu chuyên sâu cho nữ như: Siêu âm tuyến giáp, tầm soát ung thư, khám và tư vấn sức khỏe tâm lý sau sinh hoặc nuôi con nhỏ như đánh giá mức độ stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ và các rối loạn tâm lý khác… theo kế hoạch hằng năm của Công ty và Ban Chấp hành Công đoàn. Nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện sẽ trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp, bắt đầu thực hiện từ 1/1/2025.

Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 19/10/2024, Công ty TNHH Quốc tế Cerie Việt Nam (Khu Công nghiệp Bình Xuyên) cũng đã tổ chức thành công Hội nghị đối thoại “Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”.

Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến, kiến nghị của người lao động và căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Cerie Việt Nam đề xuất 11 nội dung: 1.Đề xuất bố trí khu vực để xe riêng cho lao động nữ mang thai; 2.Đề xuất bố trí khu vực để xe riêng cho lao động nữ nuôi con nhỏ; 3.Sửa xe miễn phí cho lao động nữ đối với những hỏng hóc thông thường trong phạm vi cách Công ty 1km; 4.Bố trí khu vực nhận đồ ăn riêng tại bữa ăn chính cho lao động nữ mang thai; 5.Bổ sung thêm giá trị các bữa ăn cho lao động nữ mang thai; 6.Giảm bớt 1 giờ làm việc mỗi ngày mà vẫn hưởng nguyên lương cho lao động nữ mang thai từ tháng thứ nhất; 7.Không bố trí làm thêm giờ cho lao động nữ mang thai từ tháng thứ nhất nếu người lao động có yêu cầu; 8.Ngoài 1 giờ được giảm theo quy định của Bộ luật Lao động, giảm thêm 1 giờ làm việc mỗi ngày cho lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà vẫn hưởng nguyên lương; 9.Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/năm cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn; 10.Công ty mua gói bảo hiểm nhân thọ cho lao động (hỗ trợ từ 12 triệu đồng đến 20 triệu đồng, tùy vào vị trí việc làm, số tiền hỗ trợ trên 30 tỷ đồng); 11.Ngoài quy định về khám sức khỏe cho người lao động, công ty bổ sung khám bệnh miễn phí tầm soát ung thư 1 lần/năm cho lao động nữ tại công ty. Sau thời gian thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, Ban lãnh đạo Công ty và người lao động đã thống nhất sẽ thực hiện 11/11 kiến nghị của người lao động như đã đề xuất. Công ty đã bổ sung, đưa vào TƯLĐTT và thực hiện các nội dung trên và thời gian thực hiện bắt đầu từ 1/11/2024.

Có thể nói đây là kết quả rất đáng mừng về kết quả triển khai hoạt động đối thoại của tổ chức Công đoàn tại cơ sở, qua đó thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc.

Thực tiễn cho thấy, thực hiện tốt công tác đối thoại tại nơi làm việc là nền tảng, cơ sở cho việc thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần hạn chế thấp nhất xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc… Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Đống Đa Đặng Thanh Vân, để đạt được những thỏa thuận trên, vai trò đàm phán, thương lượng của cán bộ Công đoàn, cán bộ Nữ công Công đoàn rất quan trọng, do đó, cần đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn nghiệp vụ công tác Nữ công Công đoàn, tập trung ưu tiên cho những vấn đề bức thiết của cơ sở với mục tiêu cán bộ Nữ công Công đoàn phải là những người hiểu biết về pháp luật, các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, có năng lực thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.

Đây cũng là nội dung nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đề xuất, bởi từ thực tiễn tổ chức hoạt động đối thoại hiện nay, để đối thoại thành công, quan trọng nhất là cần nâng cao năng lực và kỹ năng đối thoại cho cán bộ Công đoàn; qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tạo môi trường lao động thuận lợi và quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, trực tiếp tạo dựng được niềm tin cho người lao động.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-quyen-cho-lao-dong-nu-qua-doi-thoai-181211.html
Zalo