Ai bảo vệ người làm phim?

Công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ là tiên phong trong số các ngành công nghiệp văn hóa để có những đóng góp quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội, quảng bá hình ảnh con người, đất nước Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, những ngày qua, ngành công nghiệp được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới lại đang phải đón nhận một số sự cố đáng tiếc, có nguy cơ không nhỏ gây kìm hãm sự phát triển. Đó chính là câu chuyện về việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn và công bằng cho tất cả thành viên đoàn phim.

Sự cố nhân viên đoàn phim đột quỵ ngay trong lúc làm việc hay phát ngôn của nữ diễn viên K.T. về những bất cập trong điều kiện làm việc và quyền lợi của người lao động ngành điện ảnh, cho thấy sự thiếu hụt của những tiêu chuẩn lẽ ra bắt buộc phải có đối với một ngành công nghiệp thực sự.

OT (over time - thời gian làm việc ngoài giờ) đã và đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong giới làm phim. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã từng lên tiếng về hậu quả của việc OT liên tục là vô cùng nghiêm trọng. Không chỉ chất lượng công việc giảm sút, mà còn dẫn đến những hậu quả đau lòng như đột quỵ và tử vong. Trong vòng 3 tháng qua, đã có ít nhất 2 nhân sự phụ trách ánh sáng qua đời vì làm việc quá sức. Thậm chí, một đạo diễn có tiếng ở lĩnh vực phim truyền hình cũng đã từng trải qua một cơn đột quỵ trên phim trường do áp lực tiến độ nhưng may mắn được sơ cứu kịp thời.

Việc làm thêm giờ ở Việt Nam vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt với phim truyền hình, khi ê-kíp phải đối mặt với áp lực hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất để tiết kiệm chi phí. Điều này dẫn đến việc nhiều ê kíp làm phim tìm cách đẩy nhanh tiến độ bằng mọi cách, đôi khi bất chấp hậu quả. Thế nhưng, quyền lợi của người tham gia làm phim chưa được bảo vệ đúng luật. Nhiều diễn viên, kể cả lâu năm vẫn thường phải chấp nhận làm việc theo hình thức “thỏa thuận miệng” hoặc qua tin nhắn, không có hợp đồng lao động rõ ràng. Điều này khiến họ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi khi chẳng may có xảy ra tranh chấp. Tiền cát-xê không tăng trong khi công việc phải làm tăng gấp nhiều lần đã khiến diễn viên và nhà sản xuất nổ ra tranh cãi gay gắt.

Những sự việc đáng tiếc như trên không phải bây giờ mới xảy ra và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được giải quyết trong thời gian tới. Bởi dù đã có những đề xuất về việc bổ sung các điều khoản bảo vệ người làm phim vào Luật Điện ảnh, nhưng đến nay vẫn chỉ... dừng ở việc đề xuất. Các hội nghề nghiệp thì hiện chủ yếu tập trung vào các hoạt động kết nối, giao lưu, chưa có vai trò tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của thành viên.

Không thể có một ngành công nghiệp thật sự nếu không có tính chuyên nghiệp. Đó là sự chuyên nghiệp của nhà sản xuất, của đoàn phim, là sự chuyên nghiệp của chính người lao động. Mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về luật lao động và tự bảo vệ quyền lợi bằng cách ký kết hợp đồng lao động rõ ràng. Điều này sẽ giúp ngăn chặn những hành vi vi phạm và tạo cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp. Và đến một lúc nào đó, bên cạnh việc xem xét các yếu tố chuyên môn, các bộ phim để ra rạp còn cần phải đảm bảo cả những yếu tố về việc tôn trọng các quy định về pháp luật, trong đó có Luật Lao động. Xây dựng được một cộng đồng làm phim chuyên nghiệp, có tinh thần đoàn kết sẽ góp phần tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh, nơi mà mọi người luôn được đối xử công bằng và tôn trọng. Đó cũng là một yêu cầu tất yếu để cùng nhau chung sức xây dựng và phát triển bền vững công nghiệp điện ảnh Việt của hôm nay và tương lai!

MINH KHÔI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ai-bao-ve-nguoi-lam-phim-post770875.html
Zalo