Tăng nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ

Kinh tế toàn cầu biến động, các nước có nhiều thay đổi trong chính sách xây dựng chuỗi cung ứng, nhiều cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Hơn bao giờ hết DN cần cơ chế để tăng nguồn lực, tự chủ và nâng cao nguồn nguyên liệu sản xuất.

Theo GS.TS Đặng Hoàng Linh - Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò là nền tảng quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động bất lợi từ biến động bên ngoài.

Công nghiệp hỗ trợ không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, mà còn tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chính, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ là một nhiệm vụ cần chú trọng.

Cần thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ phát triển. Ảnh: Quang Vinh.

Cần thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ phát triển. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta vẫn chưa tự chủ được các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu. Việc nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất là tình trạng kéo dài nhiều năm qua, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.

Cục Công nghiệp chỉ ra, trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP (giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác).

Số liệu của Bộ Công thương cho hay, cả nước hiện có khoảng 5.000 DN chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% DN tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước; 8% cung cấp cho các nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại diện Công ty CP Giải pháp phần mềm Hanel (HanelSoft) cho biết, một trong những thách thức lớn nhất mà DN gặp phải là nguồn nguyên liệu. Nhiều loại nguyên liệu quan trọng vẫn cần phải nhập khẩu từ nước ngoài, tạo ra sự phụ thuộc vào thị trường toàn cầu. Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn gây ra rủi ro về nguồn cung. Khi có biến động từ thị trường quốc tế, giá nguyên liệu có thể tăng cao, ảnh hưởng khả năng cạnh tranh của DN.

Nêu quan điểm về các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp cơ khí, ông Cao Văn Hùng – Giám đốc Phát triển thị trường quốc tế, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam cho hay, nhiều chính sách phát triển ngành vẫn chỉ là lý thuyết, nên DN muốn tiếp cận sẽ gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, DN còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối tác của Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ…

Theo ông Hùng, muốn có những DN cơ khí lớn mạnh, DN cần được hỗ trợ để đầu tư thuận lợi, từ đó mở rộng nghiên cứu và phát triển, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất, cần sớm ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm. Từ đó, tạo ra một khung pháp lý để hỗ trợ và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Việc ban hành một Luật riêng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành được hưởng ưu đãi, như vốn vay lãi suất thấp, hỗ trợ công nghệ cũng như chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao..

Bà Trương Thị Chí Bình – Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) nêu quan điểm, về lâu dài Chính phủ có thể ban hành Luật công nghiệp hỗ trợ, Luật Phát công nghiệp trọng điểm để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ đó có các chính sách chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-nguon-luc-cho-cong-nghiep-ho-tro-10306328.html
Zalo