Apple chuyển sản xuất iPhone sang Ấn Độ: Cơ hội và thách thức lớn

Trước căng thẳng thương mại toàn cầu, Apple đẩy mạnh sản xuất iPhone tại Ấn Độ với mục tiêu lớn, song vẫn đối mặt thách thức về chi phí, công nghệ và chuỗi cung ứng. Liệu Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc giữ vai trò 'công xưởng' thiết bị Apple?

Điện thoại iPhone tại một đại lý bán lẻ của Apple ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN

Điện thoại iPhone tại một đại lý bán lẻ của Apple ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN

Theo Đài phát thanh Quốc tế DW của Đức, trước bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị toàn cầu, Apple đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và Ấn Độ nổi lên như một ứng cử viên sáng giá để trở thành trung tâm sản xuất iPhone mới. Tuy nhiên, liệu quốc gia Nam Á này có đủ khả năng để thay thế hoàn toàn vị trí mà Trung Quốc đã nắm giữ trong nhiều năm?

Quyết định tăng cường sản xuất tại Ấn Độ được CEO Apple, Tim Cook, công bố vào đầu tháng 5 này, khẳng định "phần lớn iPhone được bán tại Mỹ sẽ có quốc gia xuất xứ là Ấn Độ". Cùng với đó, Việt Nam cũng sẽ đảm nhận gần như toàn bộ việc sản xuất iPad, Macbook, Apple Watch và AirPods cho thị trường Mỹ. Động thái này của Apple nhằm giảm thiểu tác động của các đòn áp thuế từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và những rủi ro liên quan đến chuỗi cung ứng.

Cơ hội và thách thức "song hành"

Theo Giáo sư Lekha Chakraborty, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Chính sách và Tài chính Công Quốc gia Ấn Độ, việc Apple chuyển dịch sản xuất sang Ấn Độ mang lại cơ hội lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Bà Chakraborty chia sẻ với DW rằng: "Một phân tích sâu sắc cho thấy những thách thức tiềm ẩn bao gồm khả năng cạnh tranh về chi phí so với Trung Quốc, sự cứng nhắc của thị trường lao động và lỗ hổng của chuỗi cung ứng".

Cụ thể, chi phí sản xuất iPhone tại Ấn Độ hiện vẫn cao hơn từ 5-10% so với Trung Quốc, chủ yếu do linh kiện đắt hơn và các nhà máy hoạt động kém hiệu quả hơn. Bà Chakraborty cũng nhấn mạnh rằng "những tác động về mặt tài chính của khoản đầu tư này cần được cân nhắc cẩn thận, đặc biệt là về mặt doanh thu thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng và các khoản trợ cấp tiềm năng". Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận chính sách linh hoạt để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận.

Bất chấp những thách thức, Apple đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc mở rộng sản xuất tại Ấn Độ. Ước tính, hiện có 20% iPhone được sản xuất tại quốc gia này. Bloomberg đưa tin rằng Apple đã sản xuất 22 tỷ USD iPhone tại Ấn Độ trong 12 tháng tính đến tháng 3/2025, tăng 60% so với năm trước. Mục tiêu của công ty là sản xuất hơn 60 triệu chiếc iPhone mỗi năm tại Ấn Độ vào năm 2026, gấp đôi sản lượng hiện tại và củng cố đáng kể ngành sản xuất thiết bị điện tử của nước này.

Tại Ấn Độ, iPhone được lắp ráp bởi ba nhà sản xuất theo hợp đồng chính là Foxconn, Pegatron Corp và một công ty của Tata Group (trước đây là Wistron). Trong đó, Foxconn là đối tác lớn nhất, chịu trách nhiệm phần lớn hoạt động sản xuất iPhone tại Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cũng đã công bố chính sách mới nhằm củng cố hệ sinh thái sản xuất thiết bị điện tử trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Rào cản chuyển giao công nghệ và chuyên môn

Tuy nhiên, để trở thành một trung tâm sản xuất thực sự độc lập cho Apple, Ấn Độ sẽ cần đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, kỹ năng và công nghệ. Ông Shrijay Sheth, người sáng lập công ty tư vấn LegalWiz.in, cho rằng việc chuyển một phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ có thể sẽ gặp phải trở ngại về mặt chuyển giao công nghệ và chuyên môn.

Ông Sheth cảnh báo: "Thật ngây thơ khi hy vọng rằng chuyên môn cùng với chuyển giao kỹ năng và máy móc sản xuất của Trung Quốc sẽ được chuyển giao với tốc độ cần thiết trong bối cảnh địa chính trị hiện tại và đặc biệt là khi Trung Quốc mất đi nguồn việc làm sản xuất đáng kể". Ông Sheth cũng đặt câu hỏi về mức độ thành công thực tế khi cân nhắc đến yếu tố kinh tế, lao động lành nghề và cách thức xây dựng lại chuỗi cung ứng.

Về phần mình, Nikul Shah, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của IndieSemic, công ty chuyên về hệ thống nhúng (gồm bộ xử lý, bộ nhớ và các đơn vị đầu vào/đầu ra và có chức năng cụ thể trong một hệ thống lớn hơn) và bán dẫn, tin rằng Ấn Độ có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu về iPhone trong tương lai, nhưng hệ sinh thái cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Ông nhấn mạnh rằng việc tăng sản lượng iPhone sẽ mang đến cho Ấn Độ cơ hội nâng cao vai trò của mình trong mạng lưới sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu.

"Nhưng thành công sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết các hạn chế dai dẳng về cơ sở hạ tầng và chính sách vốn đã hạn chế khả năng cạnh tranh trong sản xuất của nước này", ông Shah nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng mặc dù phù hợp với sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" (Make in India), có khả năng biến đất nước này thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu, nhưng nó cũng gây ra những rủi ro như sự phụ thuộc quá mức vào một công ty đa quốc gia duy nhất và áp lực địa chính trị tiềm tàng.

Tóm lại, trong khi Ấn Độ đang nỗ lực hết mình để trở thành "công xưởng" mới cho iPhone của Apple, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ, cải thiện chính sách và khả năng vượt qua các rào cản về chuyên môn và công nghệ.

Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/apple-chuyen-san-xuat-iphone-sang-an-do-co-hoi-va-thach-thuc-lon-20250522102713345.htm
Zalo