Tăng mức xử phạt vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định này quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân và giao dịch trên không gian mạng.

Cụ thể, đối với hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, mức phạt từ 20-30 triệu đồng sẽ được áp dụng nếu cá nhân, tổ chức thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng mà chưa được sự đồng ý. Đặc biệt, nếu không có biện pháp bảo mật thông tin hoặc chuyển giao dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý, mức phạt sẽ tăng lên 30-40 triệu đồng.

Trong trường hợp vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân nhạy cảm, mức phạt sẽ gấp hai lần, và nếu hành vi vi phạm do tổ chức vận hành nền tảng số lớn thực hiện, mức phạt có thể lên tới 4 lần. So với quy định trước đây tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức xử phạt đối với các hành vi này đã tăng đáng kể, từ 10-20 triệu đồng lên mức cao hơn nhằm nâng cao trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh giao dịch số ngày càng phổ biến.

Ngoài ra, Nghị định 24/2025/NĐ-CP cũng bổ sung Điều 53a, quy định xử phạt các hành vi vi phạm trong giao dịch trên không gian mạng.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ nền tảng số có thể bị phạt từ 50-70 triệu đồng nếu có hành vi cản trở hoặc làm sai lệch đánh giá của người tiêu dùng, quấy rối khách hàng bằng hình thức liên hệ không mong muốn để quảng cáo sản phẩm, không hoàn tiền hoặc đổi trả sản phẩm khi có lỗi từ phía doanh nghiệp, đánh tráo hoặc gian lận hàng hóa khi giao dịch, hoặc ép buộc người tiêu dùng mua thêm sản phẩm ngoài mong muốn. Bên cạnh đó, mức phạt này cũng áp dụng với các doanh nghiệp không công khai việc tài trợ cho người có ảnh hưởng để quảng bá sản phẩm nhằm thúc đẩy hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Đáng chú ý, nghị định mới cũng quy định mức phạt từ 100-200 triệu đồng đối với các nền tảng số trung gian nếu không thực hiện xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ trên nền tảng của mình. Quy định này nhằm hạn chế các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng trước các rủi ro khi tham gia giao dịch trực tuyến.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 24/2025/NĐ-CP thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong thời kỳ thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Với mức xử phạt tăng cao, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân và giao dịch minh bạch trên nền tảng số để tránh các chế tài nghiêm khắc từ cơ quan quản lý.

Sơn Hưng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tang-muc-xu-phat-vi-pham-ve-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-316248.html
Zalo