Cảnh giác với thủ đoạn cắt ghép hình ảnh để tống tiền, lừa đảo trên không gian mạng

Mặc dù chiêu trò không mới, song thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có tình trạng đối tượng xấu sử dụng công nghệ AI, phần mềm chỉnh sửa ảnh ghép khuôn mặt của người dân vào nhân vật trong hình ảnh nhạy cảm, đồi trụy, sau đó gửi tin nhắn đe dọa, lừa đảo, tống tiền.

Sáng 19/2, anh Nguyễn Văn M, lãnh đạo một đơn vị của tỉnh Bắc Giang nhận được tin nhắn SMS của số điện thoại +84386115xxx với nội dung: “Chào bạn! Tôi là một thám tử tư cấp cao. Tôi được sếp của tôi chỉ định (người ủy thác) để điều tra bạn. Dựa trên thông tin cá nhân mà sếp tôi cung cấp, sau một thời gian dài theo dõi và thu thập chứng cứ, hiện tại tôi đã nắm trong tay những bằng chứng bất lợi cho bạn. Tôi đã gửi tin nhắn cho bạn và đính kèm các bức ảnh chụp màn hình về việc bạn vi phạm đạo đức để xác minh. Tôi biết danh tính của bạn rất đặc biệt và một khi những tài liệu liên quan này được công khai hoặc rơi vào tay sếp tôi, bạn sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Nếu bạn sẵn sàng trả tiền để giải quyết vấn đề này một cách riêng tư với tôi, hãy chuẩn bị 2 tỷ đồng. Tôi có thể lựa chọn giúp bảo đảm sự an toàn cho bạn. Sau khi xem xong, hãy liên lạc với tôi ngay qua số điện thoại (08)13105xxx. Không có bằng chứng xác thực, tôi không dám viết thư để thách thức quyền lực và ảnh hưởng của bạn. Nếu không liên lạc kịp thời, những tài liệu liên quan của bạn trong thời điểm quan trọng này có thể sẽ bị các nhân vật quan trọng sử dụng và bạn sẽ phải tự chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả phát sinh”.

 Đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn, hình ảnh cho anh M và anh B.

Đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn, hình ảnh cho anh M và anh B.

Tương tự, chiều 23/2, anh Thân Đức B, chủ một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng nhận được tin nhắn SMS từ số máy +84815457xxx với nội dung như trên. Ngoài gửi ảnh có hình nhạy cảm, đối tượng còn đe dọa: “Đừng nghĩ rằng tôi đang đùa với bạn, thời gian dành cho bạn không còn nhiều, đừng thử thách sự kiên nhẫn của tôi. Đừng để khi hối hận thì đã quá muộn. Hy vọng bạn nghiêm túc xem xét mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, đừng vì một số tiền nhỏ mà hủy hoại tương lai tươi sáng của bạn”.

Đối tượng còn cho số tài khoản ngân hàng: 0987753xxx và hướng dẫn anh B chuyển khoản làm 3 lần, hai lần đầu chuyển 300 triệu đồng, lần thứ 3 chuyển 400 triệu đồng. Sau khi chuyển khoản thành công, anh B chụp lại màn hình gửi cho đối tượng để xác nhận.

Theo nhận định của Công an tỉnh Bắc Giang, những thủ đoạn lừa đảo này hoàn toàn không mới, các đối tượng xấu vẫn sử dụng công nghệ AI, phần mềm Deepfake để cắt ghép khuôn mặt của bị hại có sẵn trên Internet và mạng xã hội rồi ghép vào khuôn mặt nhân vật trong ảnh “nóng”, nhạy cảm, đồi trụy. Với phần mềm cắt ghép ảnh được ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã tạo ra những bức ảnh giả trông như thật, rất khó phát hiện. Để tăng tính xác thực, các đối tượng còn tạo hình nút play dán vào giữa khuôn hình như thể bức ảnh được cắt ra từ một clip có thật.

Cùng đó, các đối tượng lừa đảo đã đưa ra những kịch bản đoạn tin nhắn đối thoại với bị hại rất logic, văn phong chặt chẽ, lịch sự. Mặt khác, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng chứ không chuyển vào ví tiền ảo (USDT) do chúng chỉ định như trước.

Thiếu tá Chu Văn Hiệu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) khuyến cáo: Mọi cán bộ, công chức, viên chức và người dân cần chấp hành nghiêm quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin; thường xuyên thay đổi mật khẩu thông tin các tài khoản mạng xã hội, email…

Cảnh giác đối với các tin nhắn, cuộc gọi, được gửi từ người lạ qua không gian mạng; tuyệt đối không ấn vào các đường link, tải các file, hình ảnh đính kèm do người lạ gửi; không lưu mật khẩu trên các trình duyệt.

Khi gặp trường hợp như trên cần bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ và phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo, không làm theo hướng dẫn của đối tượng, không chuyển tiền hay cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, tống tiền hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác; đồng thời liên hệ ngay với Công an tỉnh (qua Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam- Nguyễn Ngọc Đinh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bg2/phap-luat/canh-giac-voi-thu-doan-cat-ghep-hinh-anh-de-tong-tien-lua-dao-tren-khong-gian-mang-postid413309.bbg
Zalo