Tăng minh bạch, hướng về văn hóa cải tiến chất lượng đào tạo
Đại diện cơ sở giáo dục đại học đề xuất giải pháp để Thông tư 04 phát huy hiệu quả trong thực tiễn...

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Ảnh: NTCC
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT (Thông tư 04) quy định về kiểm định chương trình đào tạo trình độ đại học, thay thế hệ thống các thông tư trước đó. Đánh giá cao quy định mới, đại diện cơ sở giáo dục đại học đề xuất giải pháp để Thông tư 04 phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng ban Quản lý chất lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội: Thay đổi phù hợp với thông lệ quốc tế

PGS.TS Trần Trung Kiên.
Thông tư 04 gồm 5 chương, 46 điều, có nhiều điểm mới đáng chú ý nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm định các chương trình đào tạo đại học. Trong đó, ngoài Chương II quy định về bộ tiêu chuẩn, thì Chương III cụ thể hóa các quy trình đánh giá, thẩm định và công nhận đạt tiêu chuẩn. Căn cứ trên các hướng dẫn này, cơ sở giáo dục đại học có thể triển khai công tác kiểm định chương trình đào tạo bài bản, đúng quy định.
Về bộ tiêu chuẩn đánh giá, Thông tư này quy định có 8 tiêu chuẩn và 52 tiêu chí, về cơ bản phù hợp với bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của AUN-QA phiên bản 4.0, có tính đến điều kiện thực tiễn của giáo dục đại học Việt Nam.
Đồng thời, các tiêu chuẩn, tiêu chí có nhiều tương đồng với bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo trên thế giới như ASIIN, AQAS. Các tổ chức AUN-QA, ASIIN, AQAS đều là tổ chức đánh giá, kiểm định quốc tế được Bộ GD&ĐT công nhận. Một điều khá mới mẻ là bộ tiêu chuẩn có quy định về việc đo lường đánh giá chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Về mức độ đánh giá, thay vì đánh giá theo mức từ 1 - 7 như quy định trước đây, Thông tư 04 quy định, đối với đánh giá tiêu chuẩn chỉ còn mức đạt và không đạt; với đánh giá chương trình đào tạo, ngoài 2 mức đạt/không đạt còn có mức trung gian là đạt có điều kiện. Đây cũng là điểm mới đáng chú ý, để các cơ sở giáo dục có điều kiện và thời gian cải tiến chất lượng trước khi được đánh giá bổ sung. Điểm này tương đồng với quy định của nhiều tổ chức kiểm định quốc tế.
Về các quy trình triển khai, Thông tư 04 quy định chi tiết các bước đánh giá để đảm bảo thuận tiện trong quá trình thực hiện. Đồng thời, có những thay đổi so với trước đây, như bỏ thành viên thường trực, bổ sung phó trưởng đoàn, giới hạn số lượng chương trình đào tạo được đánh giá cho mỗi đoàn không được quá 6.
Tích hợp hướng dẫn về việc đánh giá theo các mốc chuẩn trong phụ lục của Thông tư, tạo điều kiện cho việc đánh giá và không làm phát sinh thêm các văn bản hướng dẫn từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT). Các biểu mẫu cũng được rút gọn, cải tiến để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thuận tiện cho việc triển khai.
Thông tư cũng chi tiết hóa hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục trong việc thẩm định và công nhận kết quả đánh giá; quy định rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo đối với hoạt động đánh giá ngoài; bổ sung thời hạn phản hồi của cơ sở đào tạo đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong việc đề nghị xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Trong số các điểm mới, việc bỏ đánh giá theo mức điểm, tôi cho là quan trọng nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các cơ sở giáo dục sẽ quan tâm nhiều hơn đến các khuyến nghị và thực hiện cải tiến thay vì chỉ xem điểm đánh giá thế nào.
Có thể nói, Thông tư 04 giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình triển khai hoạt động này khi quy trình được cụ thể hóa, tăng sự minh bạch và khách quan giúp các cơ sở giáo dục đại học hướng về văn hóa cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội.
TS Nguyễn Hồng Quốc - Trưởng phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế: Khung pháp lý chặt chẽ, giúp nâng cao hiệu quả kiểm định

TS Nguyễn Hồng Quốc.
Từ thực tiễn các cơ sở giáo dục, Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT đã có những điều chỉnh quan trọng nhằm nâng cao chất lượng kiểm định và đánh giá chương trình đào tạo. Những điểm mới đáng chú ý gồm:
Cập nhật bộ tiêu chuẩn đánh giá: Thông tư được xây dựng dựa trên phiên bản 4.0 của Tổ chức đảm bảo chất lượng thuộc Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA), giúp các chương trình đào tạo của Việt Nam tiến gần hơn đến tiêu chuẩn quốc tế.
Thay đổi thang đánh giá: Bỏ thang điểm 1 - 7, chỉ sử dụng hai mức “đạt” hoặc “không đạt”, giúp đơn giản hóa quy trình đánh giá nhưng đòi hỏi sự minh bạch và chính xác cao hơn.
Siết chặt tiêu chuẩn kiểm định: Các yêu cầu được nâng cao để đảm bảo chất lượng đào tạo thực chất, tránh tình trạng “đạt chuẩn hình thức”.
Bổ sung tiêu chuẩn đánh giá riêng: Đối với một số ngành đặc thù và chương trình đào tạo từ xa, đảm bảo phù hợp với sự phát triển của giáo dục linh hoạt.
Tăng cường trách nhiệm của cơ sở đào tạo: Các trường đại học phải chủ động hơn trong công tác tự đánh giá, cải tiến chất lượng và minh bạch thông tin.
Cải tiến quy trình kiểm định: Giảm bớt thủ tục hành chính, rút gọn biểu mẫu nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ trong đánh giá.
Trong số những thay đổi trên, việc cập nhật bộ tiêu chuẩn theo AUN-QA 4.0 là điểm quan trọng nhất. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn giúp các trường đại học Việt Nam hội nhập tốt hơn với hệ thống kiểm định khu vực và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên khi tham gia thị trường lao động toàn cầu.
Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT tạo ra khung pháp lý chặt chẽ, giúp nâng cao hiệu quả kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo. Cụ thể:
Thống nhất bộ tiêu chuẩn kiểm định, giúp các trường đại học có định hướng rõ ràng trong việc xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo.
Tăng tính minh bạch và trách nhiệm, yêu cầu các trường công khai thông tin kiểm định, từ đó giúp sinh viên và xã hội dễ dàng đánh giá chất lượng đào tạo.
Khuyến khích đổi mới giảng dạy, thúc đẩy các trường nâng cao nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu kiểm định ngày càng cao.
Nâng cao uy tín chương trình đào tạo, giúp sinh viên tốt nghiệp có lợi thế hơn trong thị trường lao động nhờ được đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng cao.

Đoàn đánh giá ngoài làm việc tại Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị. Ảnh: NTCC
Để Thông tư 04 đi vào thực tế một cách hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Tổ chức tập huấn và hướng dẫn cụ thể, giúp cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên tại các cơ sở giáo dục nắm rõ quy trình kiểm định mới.
Hỗ trợ các trường trong triển khai tiêu chuẩn mới, đặc biệt những đơn vị còn thiếu kinh nghiệm trong công tác kiểm định chất lượng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo các trường không chỉ đạt chuẩn trên giấy tờ mà thực sự cải thiện chất lượng đào tạo.
Tạo cơ chế phản hồi linh hoạt, giúp các cơ sở đào tạo có thể đóng góp ý kiến và điều chỉnh kịp thời khi gặp khó khăn trong quá trình áp dụng.
Với các biện pháp trên, Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam, tạo ra những chương trình đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên, nhà tuyển dụng và toàn xã hội.
TS Phạm Kim Thư - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị: Các giải pháp để quy định mới phát huy hiệu quả

TS Phạm Kinh Thư.
Thông tư 04 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đào tạo tại Việt Nam. Những quy định mới giúp các cơ sở giáo dục đại học có khung pháp lý rõ ràng, thống nhất, làm cơ sở cho việc cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.
Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo được xây dựng khoa học, chi tiết, bao gồm các tiêu chuẩn về mục tiêu, chuẩn đầu ra, cấu trúc và nội dung chương trình, hoạt động dạy và học, các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Thông tư này cũng hướng đến hội nhập quốc tế khi được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo phiên bản 4.0 của Tổ chức đảm bảo chất lượng thuộc Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA), đồng thời được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam.
Theo tôi, điểm mới quan trọng nhất của Thông tư 04 là việc áp dụng một bộ tiêu chuẩn kiểm định thống nhất cho tất cả chương trình đào tạo, bất kể ngành nghề hay hình thức đào tạo. Việc bãi bỏ tiêu chuẩn riêng đối với một số ngành đặc thù và chương trình đào tạo từ xa giúp đơn giản hóa quy trình kiểm định, tạo sự minh bạch và đối sánh chất lượng một cách khách quan.
Liên quan đến việc thúc đẩy công tác kiểm định chương trình đào tạo, Thông tư 04 cho phép kéo dài chu kỳ kiểm định chất lượng lên 7 năm (đủ điều kiện theo quy định); rút gọn và cải tiến các biểu mẫu. Bên cạnh đó, Thông tư bỏ yêu cầu xin ý kiến của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đối với báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo. Về điểm mới này sẽ giúp cơ sở đào tạo có thêm thời gian thực hiện các biện pháp cải tiến chất lượng thay vì chỉ tập trung vào thủ tục kiểm định, giúp các trường chủ động hơn trong tự đánh giá và báo cáo chất lượng.
Ngoài ra, việc rút gọn biểu mẫu giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực, tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo tập trung vào cải tiến thực chất, giảm tải thủ tục hành chính. Hơn nữa, khi kiểm định tập trung vào các tiêu chí cốt lõi và có chu kỳ dài hơn, các trường có thể đầu tư nhiều vào cải tiến chất lượng bền vững thay vì chỉ chạy theo các yêu cầu ngắn hạn.
Để các quy định của Thông tư 04 phát huy hiệu quả trong thực tiễn cần có các biện pháp cụ thể sau: Xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và phù hợp với thực tiễn giáo dục; ban hành hướng dẫn cụ thể để các cơ sở giáo dục dễ dàng triển khai. Cơ quan quản lý cần giám sát việc thực thi, tránh tình trạng hình thức hoặc đối phó; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bên liên quan.
Cùng đó, tổ chức các hội thảo, tập huấn cho giảng viên, cán bộ quản lý về tầm quan trọng của kiểm định chất lượng. Khuyến khích sinh viên, phụ huynh và xã hội giám sát, phản hồi về chất lượng đào tạo. Gắn kiểm định với quyền lợi của cơ sở giáo dục: Liên kết kết quả kiểm định với cơ chế cấp phép hoạt động, xét duyệt ngân sách, xếp hạng trường; khuyến khích các trường đạt chuẩn kiểm định bằng các ưu đãi tài chính, tăng cơ hội hợp tác quốc tế.
Tăng cường giám sát và chế tài: Xây dựng hệ thống kiểm tra định kỳ, đánh giá khách quan, tránh tiêu cực. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai minh bạch để tạo sự răn đe. Ứng dụng công nghệ trong kiểm định: Sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi chất lượng đào tạo. Đồng thời, triển khai hệ thống đánh giá trực tuyến, lấy ý kiến sinh viên, doanh nghiệp để có phản hồi thực tế.