Nhớ Bác ngày này, năm xưa: 'Phải thi đua sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm'

Báo Sự thật, số 109, ngày 15/4/1949 đăng bài 'Thuốc đắng dã tật nói thật mất lòng' của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh L.T. Bài viết đề cập đến tự phê bình và phê bình. Người phê phán quan niệm cho rằng nếu công khai phê bình thì sẽ có hại.

Cụ thể, Người nêu, có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì: Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền. Mặt khác, Bác cũng dẫn chứng những lý do cho rằng công khai phê bình là làm giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền, làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy. Vì thế, chỉ nên phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.

Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình. Đó là những điều mà Bác thẳng thắn chỉ ra và phê bình những ý kiến cho rằng công khai phê bình những khuyết điểm là không có lợi. Đồng thời, Người cũng chỉ ra rằng, nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền, thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm.

Với kinh nghiệm của mình, Bác phân tích thêm, một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết. Phải nhớ câu tục ngữ: “Sừng có vạch, vách có tai”. Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì oai tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao.

Theo Bác, cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm, thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.

Đề cập đến trình tự và thái độ của việc phê bình, Bác nêu, việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn.

Để chứng minh cho vấn đề nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu một số ví dụ cụ thể như: Một đoàn thể nọ ở Thanh Liêm, Hà Nam, khai hội xong, thì quay ra chén anh chén chú. Ở Kim Bảng, một cuộc hội nghị kiểm thảo thi đua, đã ăn uống hết 5.000 đồng và trang hoàng hết 1.000 đồng. Một đoàn thể kia ở B.Đ. khai hội có 70 người dự, mà ăn uống hết 12.000 đồng. Hội nghị Văn hóa Liên khu III, thuê một chiếc đàn dương cầm trong hai tối, mất 700 đồng...

Bác đặt vấn đề, những món tiền tiêu xài hoang phí ấy ở đâu ra? Có phải mồ hôi nước mắt của đồng bào không? Trong lúc chiến sĩ ta đang ăn gió nằm sương, đồng bào tản cư đang chịu mọi nỗi thiếu thốn, toàn thể nhân dân đang ra sức tiết kiệm để giúp kháng chiến - các vị cán bộ kia ăn tiêu như thế không thẹn với lương tâm hay sao? Phải chăng đó là cách thực hành khẩu hiệu Cần, Kiệm, Liêm, Chính mà Hồ Chủ tịch đã nêu ra và đòi hỏi mỗi cán bộ phải làm gương mẫu?

Người cho rằng, trong lúc phong trào Thi đua ái quốc sôi nổi khắp cả nước, khắp cả các từng lớp nhân dân, trong lúc toàn thể đồng bào đang đưa cả lực lượng và tinh thần để đẩy mạnh cuộc cầm cự và chuẩn bị tổng phản công.

Từ đó, Bác kết luận, tất cả cán bộ, từ cấp trên đến cấp dưới, phải thi đua sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 4, trang 236.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 6, trang 52, 53 và 54.

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong--dao-duc--phong-cach-ho-chi-minh/202504/nho-bac-ngay-nay-nam-xua-phai-thi-dua-sua-chua-khuyet-diem-va-phat-huy-uu-diem-3104215/
Zalo