Tăng hiệu quả quản lý hải quan qua kiểm soát rủi ro
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý thông qua công tác quản lý rủi ro. Đây là biện pháp hữu hiệu giúp ngành Hải quan thực hiện 'mục tiêu kép' vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa đảm bảo kiểm soát, phát hiện các trường hợp gian lận và vi phạm trong lĩnh vực hải quan.
![Cơ quan hải quan ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý thông qua công tác quản lý rủi ro. Ảnh: internet](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_241_51440303/a089ab459f0b76552f1a.jpg)
Cơ quan hải quan ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý thông qua công tác quản lý rủi ro. Ảnh: internet
Phân tích địa bàn, xác định trọng điểm
Hiện nay, thương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục với 786,29 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, công tác quản lý rủi ro ngày càng chứng tỏ được vai trò là phương tiện hữu hiệu của cơ quan Hải quan trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách xuất nhập cảnh hợp pháp vừa đảm bảo kiểm soát, phát hiện các trường hợp gian lận và vi phạm trong lĩnh vực hải quan, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bám sát kế hoạch kiểm soát rủi ro hàng năm, ngành Hải quan đã xây dựng hồ sơ, phân tích địa bàn, xác định trọng điểm để áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp. Trong năm 2024, chỉ tính đến 30/9/2024, toàn Ngành đã phát hiện 9.791 vụ vi phạm (tăng 1.538 vụ, tương ứng 19% so với cùng kỳ năm 2023 là 8.253 vụ) đối với 20 loại rủi ro, trị giá hàng vi phạm ước tính khoảng 26.836 tỷ đồng (trong đó nhiều mặt hàng chưa xác định được trị giá), số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 335 tỷ đồng, số tiền thuế truy thu khoảng 470 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngành Hải quan đã tích cực triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan nhằm nâng cao quan hệ đối tác giữa hải quan và doanh nghiệp, đảm bảo công tác kiểm soát theo yêu cầu quản lý, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đến nay, Chương trình đã thu hút 295 doanh nghiệp tham gia, trong đó trên 80% doanh nghiệp tham gia Chương trình tăng mức độ tuân thủ hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ đã đáp ứng mục tiêu ban đầu đề ra.
Việc triển khai thí điểm Chương trình đã cải thiện tình hình phân luồng tờ khai của các doanh nghiệp thành viên so với trước khi tham gia, giảm tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa, giúp các doanh nghiệp thành viên tiết kiệm kinh phí và giảm thời gian thông quan.
Trong công tác soi chiếu, cơ quan hải quan đã bám sát tình hình soi chiếu hàng hóa của từng máy soi trên các địa bàn để chủ động trao đổi, phối hợp với các đầu mối kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các chi cục hải quan, đội kiểm soát hải quan tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp có thể thực hiện soi chiếu hàng hóa qua máy soi đặt tại địa bàn cảng biển hoặc đặt tại địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2024, toàn Ngành đã thực hiện soi chiếu tổng số 120.487 container; phát hiện nghi vấn 3.209 container, phát hiện 490 container vi phạm. Vi phạm chủ yếu là nhập khẩu hàng cấm, khai sai số lượng, chủng loại; nhập hàng không khai báo nhập khẩu hàng giả mạo xuất xứ, hàng không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định...
Phối hợp đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao trong năm 2025, một trong những nhóm giải pháp được Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả là quản lý rủi ro. Theo đó, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị triển khai hiệu quả Kế hoạch kiểm soát rủi ro và Kế hoạch thu thập và xử lý thông tin quản lý rủi ro ngành Hải quan năm 2025; trao đổi thông tin với các đơn vị trong và ngoài ngành phục vụ hiệu quả công tác đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ.
Cơ quan hải quan các cấp tập trung phân tích đánh giá rủi ro theo chính sách pháp luật quản lý chuyên ngành, pháp luật hải quan, rà soát đánh giá các văn bản theo yêu cầu quản lý để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp. Cùng với đó, kiểm tra, đánh giá việc áp dụng tiêu chí phân tích; tình hình phân luồng và thực hiện phân luồng quyết định kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cấp cục, chi cục để kịp thời chấn chỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả phân luồng.
Toàn Ngành tiếp tục triển khai Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan đạt hiệu quả. Đảm bảo hệ thống đánh giá, xếp hạng tuân thủ doanh nghiệp kịp thời, chính xác theo đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế định kỳ theo dõi, đánh giá rủi ro đối với một số trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi hạng; rà soát, phân tích thông tin doanh nghiệp trên hệ thống thông tin của ngành Hải quan để đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan.
Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân tích, xác định trọng điểm, lựa chọn kiểm tra hàng hóa bằng máy soi containerainer theo quy định. Đảm bảo hoạt động soi chiếu được thông suốt, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và đảm bảo quản lý hải quan. Bên cạnh đó, rà soát xây dựng hồ sơ địa bàn, nâng cao chất lượng xây dựng hồ sơ rủi ro, hồ sơ doanh nghiệp trọng điểm, trong đó trọng tâm vào các đối tượng rủi ro cao, tuyến đường, hàng hóa trọng điểm.
Có thể thấy, quản lý rủi ro đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, từ thủ công sang tự động hóa dựa trên đánh giá rủi ro. Quản lý rủi ro đã làm giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa; đồng thời đã góp phần đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí của doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.