Tăng hiệu quả kiểm tra hút thuốc lá nơi công cộng
Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các quy định có liên quan đã quy định cụ thể các chế tài xử phạt, nhưng đến nay, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra rất phổ biến. Do vậy, việc tăng cường kiểm tra vi phạm được xem là biện pháp quan trọng.
Quy định đã có, nhưng ý thức còn kém
Ngày 1/1/2022, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi chính thức có hiệu lực. Theo đó, Luật cho phép sử dụng công cụ ghi hình, lắp camera tại các địa điểm công cộng để giám sát, nhắc nhở và phạt nguội các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm tra, giám sát và xử phạt còn rất nhiều khó khăn; sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh, kiểm tra còn nhiều hạn chế. Các cá nhân có hành vi hút thuốc nơi công cộng vẫn khó bị xử phạt vì thiếu bằng chứng và thiếu người giám sát tại chỗ. Trong khi đó, thuốc lá được bày bán khắp nơi, khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong xác định và xử lý vi phạm.
Theo bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), căn cứ quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và xử phạt nguội các hành vi vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, theo khảo sát nhanh tại nhiều điểm công cộng trên địa bàn thành phố, hầu hết người dân chưa hay biết việc hút thuốc nơi cấm hút sẽ bị phạt nguội.
Các chuyên gia luật cho rằng, việc phạt nguội với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng không hề dễ, nếu không nói là khó khả thi, bởi không phải người dân nào cũng có điện thoại thông minh để quay phim, chụp ảnh và gửi hình ảnh đến cơ quan quản lý.
Mặt khác, hành vi hút thuốc lá tại nơi bị cấm thường xảy ra trong ít phút, người vi phạm hầu hết là khách vãng lai, sau khi hút xong là di chuyển đến nơi khác, nên rất khó xác định chính xác thông tin cá nhân của họ.
Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và xử phạt nguội các hành vi vi phạm.
Bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế)
Vậy nên, để tăng ý thức của cơ sở kinh doanh và cả người dân, cần có các đoàn thanh, kiểm tra nhằm xử lý vi phạm. Trong 2 ngày 16 -17/11/2023, Đoàn Kiểm tra của Bộ Công an và Công an TP.HCM đã kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại các khách sạn trên địa bàn quận 3, quận 6 và quận 10, TP.HCM.
Ông Lý Văn Thành, Giám đốc điều hành Khách sạn Athena cho biết, việc cấm hút thuốc giúp khách sạn giảm chi phí vệ sinh phòng, giúp khách hàng có những ngày nghỉ trong lành, đồng thời góp phần đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.
Còn theo ông Hồ Anh Quốc, Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP.HCM), nhờ công tác tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá kết hợp với việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, khách sạn ngày càng quan tâm hơn đến việc thực hiện quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường khách sạn không khói thuốc.
Tuy nhiên, tại một số khách sạn, Đoàn Kiểm tra cũng nhắc nhở phải bổ sung thêm các biển cấm hút thuốc lá tại khu vực hành lang, nhà hàng của khách sạn, như Khách sạn Bamboo Sài Gòn Hotel (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10), Khách sạn Sen Việt, Khách sạn Victory.
Về phía Bộ Công an, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó trưởng phòng Phòng Tham mưu tổng hợp (Cục Y tế, Bộ Công an) cho biết, trong những năm gần đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Công an) đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) triển khai nhiều đợt kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của Luật. Theo đó, các khách sạn đã ý thức hơn vấn đề này.
“Tuy nhiên, số lượng biển cấm hút thuốc lá còn ít, vị trí đặt biển khó quan sát, nên chúng tôi đã nhắc nhở các đơn vị khẩn trương bổ sung, hoàn thiện những nội dung còn thiếu theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá”, bà Huyền chia sẻ.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Song song với kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của các khách sạn, Đoàn Kiểm tra cũng đã tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, lợi ích của việc xây dựng môi trường không khói thuốc, hướng dẫn các tiêu chí để xây dựng khách sạn không khói thuốc lá.
Các biện pháp khuyến cáo cơ sở thực hiện như có biển báo cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá như sảnh khách sạn, phòng nghỉ, hành lang, cầu thang, phòng ăn, phòng làm việc, các khu vực trong nhà khác của khách sạn. Biển báo cấm hút thuốc cần rõ ràng, treo/đặt tại những vị trí dễ quan sát.
Với nơi dành riêng cho người hút thuốc, phải đảm bảo có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Đối với các khách sạn không đủ điều kiện bố trí khu vực dành riêng cho người hút thuốc theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thì cần cấm hút thuốc hoàn toàn tại các khu vực trong nhà của khách sạn.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá, sau đợt kiểm tra này, Công an Thành phố sẽ tự tổ chức hoặc lồng ghép với các hoạt động khác để kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn quận 3, quận 6 và quận 10, TP.HCM.
Để giảm tỷ lệ người dân sử dụng thuốc lá, một số chuyên gia cho rằng, cần thực hiện nghiêm Luật Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm cấm triệt để người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; bán và cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông, nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại của thuốc lá và trách nhiệm của các bậc cha mẹ, giáo viên trong nhà trường, trẻ em trong phòng chống tác hại của thuốc lá.