Tăng gia hiệu quả, bền vững
Năm 2024, Ban CHQS huyện Tháp Mười, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp đã triển khai hiệu quả Đề án 387/ĐA-TCHC ngày 8-3-2022 của Tổng cục Hậu cần (nay là Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật) về 'Nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, chế biến trong Quân đội bảo đảm phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030'.
Theo Trung tá Nguyễn Trọng Nhân, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tháp Mười, từ nguồn vốn đầu tư 95 triệu đồng của địa phương và quỹ vốn, đơn vị tiến hành quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng lâu dài, khoa học.
Cụ thể là làm nhà lưới trồng rau sạch, lát gạch vỉa hè lối đi trong khu tăng gia, cải tạo ao nuôi cá, làm hệ thống giàn, khu trồng cây ăn trái, trồng tre tứ quý và khu vực chuồng, trại chăn nuôi heo, gà, vịt được xây dựng kiên cố, khép kín... Cơ quan hậu cần-kỹ thuật lắp đặt hệ thống nước tưới tự động ở các khu trồng rau, cây ăn trái. Đơn vị cũng cải tạo đất bằng nguồn phân chuồng, phân hữu cơ và vi sinh để trồng các loại rau chất lượng cao; lựa chọn giống cây, vật nuôi dễ trồng, dễ chăm sóc để bảo đảm tính bền vững.

Hệ thống giàn trong khu tăng gia sản xuất của Ban CHQS huyện Tháp Mười, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp.
Khu tăng gia của Ban CHQS huyện Tháp Mười hiện rộng hơn 34.000m2 theo mô hình khép kín vườn-ao-chuồng, trồng theo hướng đa tầng. Trong đó, khu trồng cây ăn trái với diện tích hơn 31.000m2 đơn vị tận dụng trồng mít, chuối, dừa, tre tứ quý lấy măng. 3.272m2 còn lại là khu nhà lưới trồng rau sạch có diện tích 120m2; khu vực chuồng trại nuôi 25 con heo, 150 con gà, vịt; diện tích mặt nước hơn 2.000m2 nuôi cá rô phi, cá trê, cá tra kết hợp làm mùng nuôi hơn 2.000 con ếch.
Nhờ áp dụng phương pháp nuôi trồng tuần hoàn bằng cách tận dụng phế phẩm làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón cho cây và ứng dụng khoa học-kỹ thuật, đơn vị tiết kiệm khá nhiều chi phí tăng gia sản xuất. Năm vừa qua, đơn vị thu hoạch hơn 8 tấn rau, củ, quả các loại và gần 3.300kg thịt, cá, lợi nhuận hơn 125 triệu đồng; giúp tự túc cơ bản định lượng rau, củ, quả, thịt, cá và có thêm nguồn thu để mua sắm doanh cụ hay trang bị tái sản xuất, hoạt động xã hội.
Chiến sĩ Trần Minh Hiếu, Tiểu đội dân quân thường trực Ban CHQS huyện Tháp Mười chia sẻ: “Bữa ăn hằng ngày ở đơn vị rất phong phú, đa dạng; thịt, cá bảo đảm đúng định lượng tiêu chuẩn. Các loại trái cây tráng miệng như mít, chuối, xoài không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên anh em rất an tâm”.