Tăng giá điện: Người dân lo áp lực, doanh nghiệp sợ 'đu' phí

Từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc giá điện tăng như một 'cú bồi' khiến sức chống chịu của doanh nghiệp càng thêm chật vật; người dân lo lắng giá các mặt hàng tăng theo, phải hạn chế chi tiêu.

Áp lực tăng thêm hàng loạt chi phí

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ 10/5, giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%, nâng mức giá điện bình quân lên hơn 2.200 đồng/kWh. Đây là lần điều chỉnh thứ hai kể từ năm 2023, nâng tổng mức tăng trong vòng ba năm qua lên hơn 17%.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - cho biết, đặc thù của ngành chế biến thủy sản là sử dụng rất nhiều điện, nhất là phải duy trì liên tục kho lạnh cấp đông. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả trung bình khoảng 1,5-2 tỷ đồng tiền điện, phụ thuộc vào sản lượng sản xuất, và mức tiêu thụ điện năng thực tế.

Theo ông Lĩnh, việc giá bán lẻ điện cho kinh doanh tăng thêm đáng kể từ ngày 10/5, theo tính toán sơ bộ của doanh nghiệp này có thể khiến doanh nghiệp phát sinh thêm khoảng cả trăm triệu tiền điện mỗi tháng.

Việc giá điện tăng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phát sinh thêm hàng loạt chi phí.

Việc giá điện tăng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phát sinh thêm hàng loạt chi phí.

“Trong bối cảnh các doanh nghiệp chịu sức ép từ thị trường xuất khẩu, áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ, đây như là một cú bồi khiến doanh nghiệp gặp khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tác động trước mắt dễ nhận thấy nhất là chi phí sản xuất tăng cao, đẩy giá thành sản phẩm của doanh nghiệp tăng lên khiến doanh nghiệp suy giảm về lợi nhuận. Về lâu dài, điều này sẽ tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là khi thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn”, ông Lĩnh nói.

Ông Nguyễn Xuân Nhu - Giám đốc một doanh nghiệp cơ khí ở Diễn Châu, Nghệ An - cho biết, chi phí điện chiếm khoảng 10-15% giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp trong ngành cơ khí hầu như đều rất nhạy với việc giá điện tăng vì sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Đặc biệt, điều lo ngại nhất là tác động lan tỏa khi sẽ kéo theo chi phí của nhiều yếu tố đầu vào khác như nguyên vật liệu, logistics, vận hành…

“Với biên lợi nhuận ngành cơ khí hiện khá mỏng, chỉ khoảng 5-10%, mức tăng giá điện có thể khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ nếu không tái cấu trúc hoạt động. Cùng với đó, người lao động sẽ gặp áp lực khi đời sống sinh hoạt tăng giá, buộc doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc điều chỉnh tăng lương và những vấn đề khác”, ông Nhu chia sẻ.

Chị Nguyễn Thu Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị có 4 người, trước đây tiền điện khoảng 600.000 - 700.000 đồng. Với mức tăng 4,8%, nhìn thì không nhiều, nhưng cộng tiền thuê nhà, tiền nước liên tục tăng sẽ khiến các chi phí cố định tăng cao, gây áp lực đến sinh hoạt của gia đình.

"Điều đáng nói, cứ bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn thì giá điện lại điều chỉnh, dẫn tới hóa đơn tiền điện thường tăng vọt. Chỉ riêng hai tháng nay hóa đơn tiền điện đã tăng lên tới 1,2 - 1,3 triệu đồng, buộc gia đình phải cắt bớt khoản chi tiêu khác như ăn uống hay mua sắm", chị Hương nói.

Cần tăng giá thuyết phục

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN - giải thích, mức giá tăng 4,8% là dựa trên kết quả của quá trình rà soát thường xuyên và cơ sở Luật Điện lực và Nghị định 72 về điều chỉnh giá điện. Cùng với đó, hiện chi phí sản xuất và mua điện tăng cao, đặc biệt khi tỷ trọng các nguồn điện giá rẻ như thủy điện giảm đáng kể vì ảnh hưởng thời tiết.

Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN trong năm 2024 chưa được công khai rõ ràng, việc giá điện tiếp tục tăng khiến dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này, đặc biệt là mức độ kiểm soát các chi phí liên quan đến công tác vận hành trong cơ cấu tổng chi phí tăng thêm của doanh nghiệp.

Chuyên gia cho rằng, đi kèm với việc tăng giá điện, EVN cần minh bạch các chi phí đầu vào.

Chuyên gia cho rằng, đi kèm với việc tăng giá điện, EVN cần minh bạch các chi phí đầu vào.

Kết quả kiểm toán của Bộ Công Thương cho thấy tổng chi phí sản xuất điện năm 2023 của EVN là hơn 528.600 tỷ đồng, tương ứng giá thành khoảng 2.088,9 đồng/kWh. Được biết, hiện EVN vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng lỗ lũy kế từ các năm trước, cùng hơn 18.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá chưa xử lý.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS, TS. Nguyễn Minh Duệ - chuyên gia Hiệp hội năng lượng - cho rằng, việc điều chỉnh giá điện hiện phụ thuộc vào giá thành bình quân của hệ thống, trong đó liên quan đến hàng loạt chi phí như phát điện, truyền tải, phân phối… nên rất phức tạp và đòi hỏi sự minh bạch, công bằng.

Hiện tại, chi phí sản xuất điện cho từng loại điện, từng khâu vận hành ở Việt Nam còn chưa rõ nên mỗi lần EVN điều chỉnh giá điện sẽ khiến dư luận băn khoăn.

“Dù tăng giá điện là cần thiết trong bối cảnh giá điện ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước, nhưng tỷ lệ chi phí tăng thế nào để đưa ra đưa giá điện mới như thế cũng cần phải nói rõ. EVN cần minh bạch các thông tin này để người dân, doanh nghiệp giám sát và giúp việc tăng giá điện trở nên thuyết phục hơn”, ông Duệ nói và cho rằng ngành điện cần sớm áp dụng giá điện hai thành phần khi vấn đề này thời gian qua vẫn đang rất loay hoay.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - cho rằng, việc giá điện tăng sẽ không chỉ tác động trực tiếp mà còn tác động gián tiếp thông qua tăng giá các mặt hàng, với khả năng CPI tác động lan tỏa có thể lên tới 0,34%, do đó rất cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan liên quan.

“Tăng giá điện cần đi kèm với một lộ trình minh bạch, cải cách sâu về thị trường điện cạnh tranh, và cơ chế kiểm soát hiệu quả tài chính của EVN. Nếu không, người dân và doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục gánh chi phí mà chưa thấy cam kết rõ ràng từ bên cung cấp”, ông Thỏa nói.

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tang-gia-dien-nguoi-dan-lo-ap-luc-doanh-nghiep-so-du-phi-post1741025.tpo
Zalo