'Lời nguyền kẻ chiến thắng' là gì?
Người trả giá cao nhất trong các phiên đấu giá chưa chắc đã là người chiến thắng. Giá trị thực của các vật phẩm được đấu giá cũng là một vấn đề khiến các nhà đầu tư đau đầu.

Đấu giá các vật phẩm có giá trị lớn là một cuộc chơi cân não. Ảnh minh họa: C.R.
Thông thường, có bốn hình thức đấu giá phổ biến:
1. Đấu giá kiểu Anh (English auction) hay đấu giá tăng dần:
Người điều hành cuộc đấu giá công bố giá khởi điểm và mức tăng tối thiểu, những người tham gia đấu giá lần lượt ra giá cao hơn, món hàng thuộc về người ra giá cao nhất sau ba lần hỏi mà không có ai trả cao hơn. Giá giao dịch không được thấp hơn giá đảm bảo.
2. Đấu giá kiểu Hà Lan (Dutch auction) hay đấu giá giảm dần:
Người điều hành cuộc đấu giá sẽ công bố giá khởi điểm và bước giảm của giá, giá được giảm dần cho tới khi có người chấp nhận mức giá hiện tại thì giao dịch thành công. Giá giao dịch không được thấp hơn giá đảm bảo.
3. Đấu giá đặt giá thầu:
Hình thức này có thể khá xa lạ với người bình thường nhưng lại rất quen thuộc với các chuyên gia. Người mua gửi báo giá niêm phong (còn được gọi là giá thầu) cho người điều hành cuộc đấu giá trong thời gian quy định và người điều hành cuộc đấu giá chọn người mua. Đặc điểm của hình thức này là có thể lựa chọn đấu giá công khai hoặc đấu giá kín, và ngoài điều kiện về giá, có thể thêm các điều kiện khác để thực hiện giao dịch.
4. Đấu giá Vickery hay còn gọi là đấu giá kín theo giá thứ hai:
Hình thức này về cơ bản giống như đấu giá kín theo giá cao nhất, nhưng giá mà người chiến thắng phải trả là giá thầu cao thứ hai thay vì giá thầu của chính họ.
Chắc bạn sẽ thấy lạ, vì như vậy không phải đã tiết kiệm cho người mua rất nhiều tiền sao?
Thực tế đây là một “cái bẫy” lớn hơn. Khi một người trúng thầu, anh ta chỉ cần trả mức giá thấp hơn mức giá mình đưa ra, nhờ đó cảm thấy được lợi. Lý do này khiến các nhà thầu thường có xu hướng ra giá cao hơn mức giá dự kiến, tránh trường hợp mức giá đưa ra thấp hơn thì sẽ mất cơ hội trúng thầu.
Một người nghĩ vậy thì không sao, nhưng nếu tất cả các nhà thầu đều nghĩ như thế thì điều gì sẽ xảy ra? Kết quả là mọi người đều đưa ra mức giá cao hơn nhiều so với mức giá dự định, và “giá thứ hai” sau cùng cũng sẽ vượt xa mức giá mà người trúng thầu mong đợi.
Như chúng ta vừa nói, mức giá cao thứ hai thoạt nhìn tưởng là mang lại lợi nhuận cho người trúng thầu, nhưng thực tế nó có thể gây ra sự cạnh tranh gay gắt giữa những người tham gia đấu giá, thường khiến người thắng thầu phải trả nhiều hơn mức giá mong đợi của họ, đem đến nhiều lợi ích hơn cho người bán.
Đấu giá là trò chơi giữa người mua với người bán và giữa người mua với nhau. Trong nhiều trường hợp, người trúng thầu vất vả trải qua bao nhiêu vòng đấu giá để giành chiến thắng, cuối cùng lại phát hiện mình đã trúng “lời nguyền kẻ chiến thắng” (the winner’s curse, người thắng đấu giá bị thiệt hại do đánh giá sai giá trị của sản phẩm và trả giá quá cao để có được nó).
Dựa theo giả thiết của kinh tế học truyền thống, nếu mọi nhà thầu đều lý trí thì sẽ không xảy ra trường hợp đó. Vì vậy, trong cơ chế thị trường, sự xuất hiện của “lời nguyền kẻ chiến thắng” là một điều dị thường (anomaly). Tuy nhiên, nhiều cuộc thử nghiệm, nghiên cứu sau này phát hiện ra đây có thể là một hiện tượng rất phổ biến.
Khi đấu giá thất bại, bạn không có tư cách bị trúng lời nguyền; khi có được vật đấu giá, thời điểm chiếc búa đấu giá gõ xuống, bạn sẽ nhận ra cái giá để sở hữu sản phẩm này đã vượt xa giá trị được nhận định bởi những người mua khác, cho dù giá đó có cao hơn giá phán đoán của bạn hay không.
Lời nguyền kẻ chiến thắng thường chỉ xảy ra khi đấu giá những sản phẩm có giá trị chung (common value), tức là giá trị được thị trường thừa nhận.
Còn những món đồ có giá trị riêng (private value), do không có sự thừa nhận chung của thị trường, bạn chỉ phải trả theo nhận định cá nhân về giá trị của nó, không có sự so sánh trên thị trường nên cũng chẳng có lời nguyền kẻ chiến thắng.