Nghị quyết 68: Cú hích thực chất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nghị quyết 68 tạo cú hích mạnh mẽ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng chính sách hỗ trợ tài chính, tháo gỡ khó khăn.

Giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang loay hoay với bài toán tăng trưởng, tiếp cận nguồn lực và thích ứng công nghệ, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân xuất hiện như một bản hiệu triệu mới giúp khơi thông tư duy chính sách và kiến tạo một môi trường kinh doanh cởi mở, bảo vệ rủi ro pháp lý cho doanh nhân.

Không dừng lại ở những định hướng mang tính khái quát, nghị quyết lần này chạm đến những vấn đề cụ thể mà cộng đồng SME vốn đối mặt suốt nhiều năm qua: thủ tục hành chính phức tạp, thiếu cơ chế thử nghiệm mô hình mới, và khoảng trống giữa tinh thần chính sách và thực tiễn triển khai.

Ba dấu mốc phát triển kinh tế tư nhân

Chia sẻ tại tọa đàm ‘Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) tổ chức, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 68 đánh dấu một bước chuyển tư duy quan trọng của Nhà nước trong quan hệ với doanh nghiệp tư nhân.

Trong giai đoạn 1988–1990, Nhà nước lần đầu tiên chính thức thừa nhận vai trò của khu vực tư nhân, mở cửa cho những doanh nghiệp ngoài quốc doanh xuất hiện trên bản đồ kinh tế. Mặc dù số lượng doanh nghiệp còn khiêm tốn và thủ tục thành lập kéo dài, nhưng chính bước ngoặt này đã đánh dấu khởi đầu cho một động lực kinh tế mới.

Tiếp đến, giai đoạn 1999–2000 chứng kiến sự bứt phá với Luật Doanh nghiệp, khi quyền tự do kinh doanh được khẳng định và hàng trăm giấy phép con bị bãi bỏ. Thời gian cấp phép thành lập doanh nghiệp được rút ngắn mạnh mẽ, từ vài tháng xuống chỉ còn vài tuần, tạo cú huých quan trọng cho phong trào khởi nghiệp và mở rộng đầu tư. Những cải cách này đã không chỉ giúp tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mà còn cải thiện đáng kể niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bước sang năm 2025, Nghị quyết 68 được xem là “cột mốc thứ ba” với một tư duy hoàn toàn mới: doanh nghiệp được phép làm tất cả những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ làm những gì có trong “danh mục cho phép”.

“Tôi gọi đây là cột mốc thứ ba trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân,” ông Hiếu phát biểu tại tọa đàm, đồng thời nói rằng điểm nổi bật là sự dịch chuyển từ tư duy “cấm mới cho làm” sang “được làm những gì pháp luật không cấm”. Đây là nguyên tắc đã được quy định trong Hiến pháp từ năm 2013, nhưng theo ông, vẫn chưa được thực thi đầy đủ trong hệ thống pháp luật và thực tiễn quản lý.

Nghị quyết 68 yêu cầu rà soát, cắt bỏ hoặc thay thế các quy định can thiệp hành chính không cần thiết, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, để họ có thể tự tin triển khai các hoạt động kinh doanh mà không bị lệ thuộc vào các quy trình “xin - cho”.

Ông Hiếu cho rằng một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất của Nghị quyết 68 là yêu cầu hệ thống pháp luật chuyển từ chức năng kiểm soát sang chức năng kiến tạo.

“Doanh nghiệp không cần thêm đặc quyền. Họ chỉ cần một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, có thể dự đoán được rủi ro, và được đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế khác”, ông Hiếu nhận định.

Theo ông Hiếu, sự chuyển dịch từ quản lý hành chính kiểu “xin - cho” sang cơ chế “tạo lập và bảo vệ” sẽ giải phóng tối đa sáng kiến của doanh nhân, đồng thời đặt nền móng để khu vực tư nhân trở thành động lực thực sự trong phát triển kinh tế đất nước.

Hệ sinh thái đổi mới để SME chủ động phát triển

Nếu như ông Hiếu nhấn mạnh đến yêu cầu thay đổi cách tiếp cận quản lý nhà nước theo hướng “kiến tạo và bảo vệ”, thì theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ), thách thức lớn nhất hiện nay của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là khoảng cách giữa ý tưởng đổi mới và khả năng triển khai trong thực tế.

Ông Nghiệm đánh giá, Nghị quyết 68 đã bước đầu xác lập vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, để nghị quyết thực sự trở thành động lực, cần phải nhanh chóng cụ thể hóa các cơ chế hỗ trợ như sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát), trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo địa phương, vườn ươm và quỹ đầu tư mạo hiểm.

“Chúng ta đã có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng tốt, nhưng họ thiếu hạ tầng thử nghiệm, thiếu cơ chế linh hoạt để thử và sai mà không bị ràng buộc quá mức về pháp lý”, ông Nghiệm phân tích.

Một trong những điểm ông đặc biệt lưu ý là vai trò điều phối và thực thi ở cấp địa phương. “Không thể chỉ chờ Trung ương ban hành chính sách rồi hy vọng mọi thứ tự vận hành. Phải có mạng lưới triển khai từ dưới lên, có người làm thật, có nơi chấp nhận rủi ro thử nghiệm”, ông Nghiệm nhận định.

Minh bạch và bản sắc – Yếu tố then chốt

Ở một góc nhìn khác, ông Thân Đức Việt – Phó chủ tịch HANOISME, đồng thời là Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, nhấn mạnh rằng, Nghị quyết 68 không chỉ đặt ra yêu cầu cải thiện môi trường thể chế, mà còn thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là SME, phải nâng cao nội lực quản trị và bản lĩnh thị trường.

Từ thực tiễn điều hành một doanh nghiệp gần 80 năm tuổi, ông Việt cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân hiện nay không thể chỉ trông đợi vào hỗ trợ của Nhà nước, mà cần chủ động chuyển mình theo ba hướng: minh bạch thông tin, chuyên nghiệp hóa quản trị và xây dựng văn hóa doanh nghiệp có bản sắc.

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không thiếu khát vọng, nhưng nếu không minh bạch, không đầu tư vào chất lượng và không định vị được giá trị riêng, thì sẽ rất khó vươn xa, ngay cả khi chính sách đã rất mở”, ông Việt chia sẻ.

Ông Việt cho biết, Nghị quyết 68 tạo ra hành lang thuận lợi về thể chế, từ thuế, tín dụng đến đổi mới sáng tạo, nhưng “nếu doanh nghiệp không có chuẩn bị nội tại thì chính sách dù tốt đến đâu cũng không phát huy được tác dụng”.

Theo ông, chính khối SME cần là lực lượng đi đầu trong việc tạo dựng uy tín, nâng cao chất lượng sản phẩm, và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng – từ đó mới có thể hình thành niềm tin lâu dài với khách hàng và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một điểm đáng chú ý trong chia sẻ của ông Việt là mối liên hệ giữa năng lực cạnh tranh quốc gia và bản sắc doanh nghiệp.

Trong thời đại hội nhập sâu rộng, một doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam có thể trở thành đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng điều đó đòi hỏi sự chuẩn mực về đạo đức kinh doanh, minh bạch về tài chính, và nhất quán trong chất lượng.

“Văn hóa doanh nghiệp không phải là một khẩu hiệu, mà là thứ được kiểm chứng mỗi ngày qua cách ứng xử với khách hàng, với nhân viên và với xã hội”, ông Việt nhấn mạnh.

Từ hoạch định chính sách, thực thi thể chế đến vận hành doanh nghiệp, có thể thấy Nghị quyết 68 không đơn thuần là một văn bản định hướng, mà là lời mời gọi hành động, đặt SME vào vị trí trung tâm trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn mới.

Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả những thay đổi về thể chế và chính sách, chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần chủ động thích ứng.

Việc chuyển từ tư duy thụ động sang chủ động, từ ngắn hạn sang dài hạn, từ chạy theo tăng trưởng sang đầu tư cho đổi mới và giá trị bền vững là những điều kiện cần thiết.

Minh bạch hóa, áp dụng công nghệ số, tham gia các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị và xây dựng bản sắc doanh nghiệp sẽ không chỉ giúp SME tồn tại trong một môi trường kinh doanh nhiều cạnh tranh, mà còn mở ra cơ hội vươn xa trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Công Hiếu

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/nghi-quyet-68-cu-hich-thuc-chat-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-d40093.html
Zalo