Tăng giá để ứng phó với làn sóng thuế quan của Tổng thống Trump, Temu giải thích
Sau chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, Temu áp dụng phí 'nhập khẩu' 145%, khiến giá hàng hóa tăng gấp đôi và gây khó khăn cho người tiêu dùng Mỹ.

Temu đã áp dụng khoản phí "nhập khẩu" lên tới 145% tại Mỹ. Ảnh minh họa: IT
Temu mất lợi thế giá rẻ do áp dụng khoản phí "nhập khẩu" lên tới 145%
Temu - nền tảng mua sắm giá rẻ từ Trung Quốc, đang đối mặt với những chỉ trích tại Mỹ do áp dụng phí "nhập khẩu" tới 145%. Khoản phí này đã khiến giá nhiều sản phẩm tăng gấp đôi, làm mất lợi thế giá rẻ của nền tảng.
Ví dụ, một chiếc váy mùa hè giá 18,47 USD bị cộng thêm 26,21 USD phí nhập khẩu, nâng tổng giá lên 44,68 USD (142% phí). Bộ đồ bơi trẻ em giá 12,44 USD tăng thành 31,12 USD, chịu 150% phụ phí. Máy hút bụi cầm tay niêm yết 16,93 USD cũng bị đẩy lên 40,11 USD, vượt 137% phí.
Trên website, Temu giải thích khoản phí này liên quan đến chi phí thủ tục hải quan, nhưng không phải toàn bộ số tiền đều nộp cho cơ quan chức năng. Trong khi đó, đối thủ Shein dù điều chỉnh giá sản phẩm, nhưng chưa áp dụng phụ phí tương tự, khiến Temu gặp khó trong cạnh tranh.
Các khoản phí được cho là hệ quả từ chính sách thuế mới của Mỹ, với mức thuế 145% và bãi bỏ cơ chế miễn thuế de minimis (áp dụng cho đơn hàng dưới 800 USD). Chính sách này đã khiến chi phí vận hành của Temu tăng đáng kể, buộc nền tảng phải đẩy mạnh phân phối từ kho nội địa Mỹ để giảm áp lực.
Tuy nhiên, việc giá sản phẩm trên Temu gần ngang bằng Amazon hay Walmart, cộng thêm thời gian giao hàng lâu, đang làm ảnh hưởng lớn đến lợi thế và trải nghiệm người dùng.
Được biết, cùng với Temu, nền tảng bán lẻ Shein - một đối thủ của Temu cũng đã tăng giá bán các sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, chính sách tăng giá của Shein có điểm khác hơn bởi thương hiệu này không đề cập tới việc áp dụng phí nhập khẩu.
Rất khéo léo, Shein viết trong giới thiệu khi thanh toán sản phẩm nội dung tóm gọn như sau: “Thuế quan đã bao gồm trong giá phải trả. Bạn sẽ không bao giờ phải trả thêm khi giao hàng”.
Được biết, Temu - thuộc sở hữu của tập đoàn thương mại điện tử PDD Holdings của Trung Quốc. Ra mắt tại Mỹ năm 2022, Temu thu hút nhiều người dùng nhờ giá rẻ và chính sách miễn phí vận chuyển. PDD Holdings, hiện có trụ sở tại Ireland, đang mở rộng toàn cầu, đặt mục tiêu cạnh tranh với Amazon và Shein. Với chiến lược “mua sắm vui vẻ với giá cực rẻ”, Temu đang tái định hình thói quen tiêu dùng trực tuyến tại nhiều quốc gia, dù đối mặt với lo ngại về chất lượng và bảo mật.