Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam kỳ vọng thay đổi toàn diện ngành đường sắt

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có những đột phá về chiến lược, với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhằm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Ngành đường sắt đã có những bước phát triển về hạ tầng, chất lượng dịch vụ vận tải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành đường sắt đã có những bước phát triển về hạ tầng, chất lượng dịch vụ vận tải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhờ vào việc chú trọng định hướng phát triển các trụ cột, Tổng công ty Vận tải Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có những kết quả ấn tượng về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024.

Bên cạnh đó, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là dấu mốc lịch sử của ngành đường sắt, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt trong sự phát triển của đất nước

Nỗ lực triển khai ba trụ cột

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 của VNR vào sáng 6/1, theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR, năm 2024, hành khách đi tàu đạt 7,02 triệu lượt khách, tăng 14,8% so với cùng kỳ; hàng hóa đạt 5,16 triệu tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Bên cạnh việc coi trọng hợp tác với các đối tác truyền thống, lâu năm, VNR cũng chủ động đẩy mạnh mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước, quốc tế nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên với mục tiêu thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển đường sắt.

Với mục tiêu phấn đấu phục hồi vận tải về giai đoạn trước dịch COVID-19, VNR đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ mới, chất lượng được đánh giá cao, ngày càng thu hút nhiều hành khách sử dụng phương tiện đường sắt như chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung”, tàu thuê nguyên chuyến, chuyến tàu văn hóa trà và du lịch tỉnh Thái Nguyên...

“Đặc biệt, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đây là dấu mốc lịch sử của ngành đường sắt, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt trong sự phát triển của đất nước,” ông Khánh quả quyết.

Ngoài ra, việc hoàn thành hợp nhất 2 Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã đánh dấu sự thay đổi lớn với vận tải đường sắt nhằm tập trung nguồn lực, tài chính, phương tiện vận tải để tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng khả năng huy động vốn cho các kế hoạch phát triển vận tải đường sắt.

Đưa ra mục tiêu năm 2025, VNR phấn đấu doanh thu hơn 9.407 tỷ đồng, bảo đảm tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ đạt 77% trở lên; giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5% trở lên ở cả 3 tiêu chí, không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; tiếp tục triển khai đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn đến hết năm 2025 theo tiến độ đề ra.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, khẳng định ngành Đường sắt là lĩnh vực giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn trước, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cao nỗ lực của VNR trong năm qua khi triển khai thực hiện với 3 trụ cột về kết cấu hạ tầng, vận tải và công nghiệp đường sắt.

 Dự án đường sắt tốc độ cao được kỳ vọng thay đổi toàn diện ngành Đường sắt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự án đường sắt tốc độ cao được kỳ vọng thay đổi toàn diện ngành Đường sắt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Thứ trưởng Huy, VNR đã làm tốt công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông giải quyết lối đi tự mở, ban hành kế hoạch cụ thể; chuyển tài sản từ Nhà nước sang VNR quản lý về kết cấu hạ tầng; sự chuẩn bị các dự án đường sắt mới (biên giới, cảng biển, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam) là nền tảng về kết cấu hạ tầng cơ bản cho ngành.

Đối với vận tải, ngành Đường sắt có sản lượng tăng cả về hàng hóa và hành khách, dịch vụ đa dạng, nhiều sản phẩm mới như đoàn tàu du lịch, đoàn tàu di sản miền Trung, đoàn tàu charter; chất lượng dịch vụ vận tải tăng cao từ hình ảnh nhà ga.

Về công nghiệp đường sắt, VNR đã triển khai nâng cấp cải tạo các đoàn tàu, hợp tác liên doanh liên kết với các doanh nghiệp ngoài ngành đưa vào khai thác các đoàn tàu mới.

Tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Gợi mở những định hướng của năm 2025, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy đặt vấn đề trong bối cảnh kết cấu hạ tầng giao thông bước vào kỷ nguyên mới thì nguồn nhân lực đường sắt đã đủ, đảm bảo chưa; giải pháp gì; từng đơn vị chuyên ngành có kế hoạch nhân lực ra sao; công tác đào tạo và nguồn kinh phí đào tạo thế nào...

“Bộ Giao thông Vận tải sẵn sàng tháo gỡ đưa ra cơ chế chính sách như đặt hàng toa xe dưới 200km, lập đề án kinh phí đối tác, lộ trình triển khai về phát triển công nghiệp đường sắt,” Thứ trưởng Huy nhấn mạnh.

Nhìn nhận việc sáp nhập 2 công ty vận tải đường sắt đã làm tốt, kết quả sản xuất kinh doanh có nhiều bước tiến, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng VNR cũng cần sẵn sàng chuẩn bị tâm thế “nhịp thở” và “nhịp đập” trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Khẳng định hạ tầng giao thông, trong đó có hạ tầng đường sắt là một trong ba khâu đột phá chiến lược, theo ông Nguyễn Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2025, VNR cần có tư duy đột phá chiến lược, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trong đó Quốc hội thông qua đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được coi là dự án kỳ vọng thay đổi căn bản toàn diện của ngành đường sắt.

 Ông Nguyễn Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 của VNR. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Nguyễn Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 của VNR. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Cảnh đề nghị VNR tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đầu tư có hiệu quả minh bạch, dự án giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ chất lượng dự án giao thông; đổi mới công tác quản lý điều hành nhằm nâng cao năng suất lao động.

Với dự án đường sắt tốc độ cao, VNR phối hợp với các cơ quan chức năng về thiết kế đường ray, nhà ga, trạm dừng, bảo trì, vận hành, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp đường sắt tăng tỷ lệ nội địa hóa cao, phát triển đội ngũ có trình độ chuyên môn cao

“Ngành đường sắt chủ động đề xuất các bộ, ban ngành tăng cường phát triển đầu tư hạ tầng đặc biệt là đường sắt hạ tầng hiện hữu đó là dự án nâng cấp hệ thống đường sắt quốc gia, song song với các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng,” ông Cảnh chỉ đạo./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-ky-vong-thay-doi-toan-dien-nganh-duong-sat-post1006066.vnp
Zalo