Sự thay đổi bộ máy phải tạo ra động lực để chính quyền vận hành tích cực

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt kỳ vọng vào những thay đổi đột phá trong môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2025, theo nghĩa quyết liệt hơn, không chần chừ, không ngần ngại khi thực hiện.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Thưa ông, ngày 8/1 tới, theo kế hoạch, Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ diễn ra. Các nhiệm vụ liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh sẽ được bàn tới. Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông, môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2025 có điểm gì đang chú ý, khác biệt so với những năm trước?

Năm 2025 được kỳ vọng là năm khởi sắc và có đột phá của môi trường kinh doanh Việt Nam.

Trước hết, chúng ta có tiền đề của năm 2024 với nhiều thành công như tốc độ tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài đều trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và hứa hẹn năm 2025 cũng rất thành công.

Năm 2025 cũng là năm mà các luật lớn với nội dung tích cực, thuận lợi cho kinh doanh đã được thông qua và đã có một năm 2024 để chuẩn bị có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS…

Năm 2025 cũng là năm đầu tiên bắt tay thực hiện các dự án đầu tư công lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, dự án điện hạt nhân và rất nhiều dự án hạ tầng quan trọng khác. Với cách thức thực hiện như giai đoạn năm 2024, thì dự báo giải ngân đầu tư công trong năm 2025 sẽ được đẩy mạnh hơn.

Năm 2025 cũng là năm mà cải cách thể chế được chú trọng, được đẩy mạnh. Chương trình xây dựng luật của Quốc hội và Chính phủ với khối lượng nhiều và đặc biệt là cách làm mới như chủ động rà soát vướng mắc từ thực tiễn để đề xuất một luật sửa nhiều luật. Cuối năm 2024 vừa qua Chính phủ đã chủ động trình Quốc hội 1 luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, 1 luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính…

Thời gian qua Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều định hướng sửa đổi chính sách pháp luật rất quan trọng như tuyệt đối nói không với tư duy “không quản được thì cấm” hay chủ trương triệt để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ…

Đặc biệt, đây là một năm có nhiều cải cách mạnh mẽ về tổ chức, bộ máy chính quyền. Đảng và Nhà nước đang tiến hành cuộc cách mạng về tinh gọn, bộ máy để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn…

Nếu điểm danh đầu việc, thì năm 2025 đang đối diện với nhiều thay đổi, cả về tổ chức bộ máy, thay đổi cơ chế, chính sách… Lâu nay, các doanh nghiệp một mặt kỳ vọng vào những thay đổi sẽ tạo nên tích cực, nhưng cũng không xuất hiện lo ngại có thể sẽ làm chậm lại một số công việc. Ông nghĩ thế nào về việc này?

Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy chắc sẽg khó tránh khỏi sự vướng mắc, trục trặc trong vận hành bộ máy trong giai đoạn đầu.

Cũng phải nói thêm, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ. So với thông lệ, thì năm cuối nhiệm kỳ là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, thường là có không khí chậm lại, trầm lắng trong vận hành bộ máy chính quyền.

Chính vì thế, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn sự thay đổi bộ máy phải tạo ra động lực để chính quyền vận hành tích cực. Nói cách khác thì phải lấy hiệu quả thực tiễn, sự vận hành tích cực trong năm nay là tiêu chí quan trọng để đánh giá lãnh đạo, bổ nhiệm cán bộ.

Sau Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh. Ông kỳ vọng gì vào Nghị quyết này năm nay?

Nghị quyết 02 của Chính phủ là một thương hiệu về ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu ở đây không chỉ là môi trường kinh doanh của Việt Nam năm sau thuận lợi hơn năm trước mà Việt Nam cần phải so sánh được với các nước tốt nhất trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Nghị quyết 02 cần là bệ đỡ quan trọng để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp dân doanh phát triển mạnh mẽ. Khu vực này thời gian qua có những dấu hiệu đáng lo ngại như hiệu quả kinh doanh chưa tốt, tỷ lệ rời khỏi thị trường cao…

Chính vì thế, cần nhiều chính sách ưu việt và đột phá hơn để thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước phát triển mạnh.

Cùng với đó, định hướng của Việt Nam trong giai đoạn tới là thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, chiến lược. Do vậy, các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh phải hướng tới thực hiện nhiệm vụ này.

Năm 2024 vừa qua, Chính phủ - cụ thể ở đây là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất đột phá khi chủ động trình Quốc hội luật sửa Luật Đầu tư, trong đó nội dung về thủ tục đầu tư đặc biệt hướng tới nhóm đối tượng nhà đầu tư quan trọng này. Nghị quyết 02 tới đây cần có thêm nhiều chính sách tương tự như vậy.

Năm nay, điểm khác biệt là Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 2 con số? Ông cảm nhận được điều gì từ mục tiêu rất tham vọng này?

Đây là thông điệp hết sức quan trọng! Mục tiêu tăng trưởng 2 con số là mục tiêu rất tham vọng và quyết tâm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.

Để đạt được mục tiêu này chắc chắn chương trình hành động phải khác so với từ trước đến nay. Cần sự quyết liệt hơn, không chần chừ, không ngần ngại khi thực hiện! Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước!

Tăng trưởng của Việt Nam cần phải chuyển dịch sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, khuyến khích và tạo động lực để áp dụng công nghệ mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh và cả quản lý nhà nước. Đây cũng là định hướng quan trọng trong Nghị quyết 57 mà Bộ Chính trị vừa ký ban hành.

Nguồn lực tăng trưởng cũng cần phải thu hút và khơi thông mạnh mẽ cả tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài. Phải có chính sách đặc biệt để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo…

Cần thúc đẩy và gia tăng đầu tư công mạnh mẽ, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng số để hỗ trợ tăng trưởng.

Khánh Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/su-thay-doi-bo-may-phai-tao-ra-dong-luc-de-chinh-quyen-van-hanh-tich-cuc-d239233.html
Zalo