Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân

Thời điểm hiện nay, đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban... Để chủ động công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân, UBND tỉnh ban hành Công văn số 68 ngày 13/2/2025 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Từ ngày 1/1 đến 13/2/2025, Bệnh viện Nhi Nam Định điều trị nội trú cho hơn 1.400 bệnh nhân liên quan đến các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Từ ngày 1/1 đến 13/2/2025, Bệnh viện Nhi Nam Định điều trị nội trú cho hơn 1.400 bệnh nhân liên quan đến các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp

Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Nam Định Đinh Công Minh, từ ngày 1/1 đến 13/2/2025, Bệnh viện Nhi Nam Định điều trị nội trú cho hơn 1.400 bệnh nhân liên quan đến các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Nhất là, trong những ngày thời tiết liên tục trở lạnh, mưa, gió mùa, bệnh cúm có chiều hướng gia tăng (chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, viêm phế quản). Nguyên nhân là đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban... Bên cạnh đó, sau Tết Nguyên đán, học sinh đi học trở lại, cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Trong đó, trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.

Theo khuyến cáo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, ho, đau họng và sổ mũi. Các chủng vi-rút cúm mùa phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và có thể hồi phục sau 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, người cao tuổi hoặc người mắc bệnh mạn tính (tim, phổi, thận, chuyển hóa, thiếu máu, suy giảm miễn dịch...), cúm có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm, như: suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim và làm trầm trọng thêm bệnh nền, thậm chí dẫn đến tử vong. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu mắc cúm trong ba tháng đầu thai kỳ có thể đối diện nguy cơ dị dạng thai nhi, thai chết lưu hoặc sinh non. Vì vậy, tiêm phòng cúm trước khi mang thai là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Trước nguy cơ dịch cúm bùng phát, mỗi cá nhân cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc-xin đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh. Khi có triệu chứng nghi ngờ cúm, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Việc tuân thủ các khuyến cáo từ Bộ Y tế là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phan Văn Tùng cho biết: Hiện nay, một số bệnh dịch truyền nhiễm có diễn biến phức tạp. Nếu năm 2023, toàn tỉnh chỉ có 1 ca mắc bệnh sởi, năm 2024, ghi nhận 22 ca sởi, song, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 20 ca sởi tại 8 huyện, thành phố: Hải Hậu (5 ca), Xuân Trường (2 ca), Vụ Bản (2 ca), thành phố Nam Định (4 ca), Ý Yên (2 ca), Nghĩa Hưng (2 ca), Giao Thủy (2 ca), Nam Trực (2 ca). Trong đó có 2 ca được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi, còn 18 ca bệnh khác đều chưa tiêm vắc-xin phòng sởi. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng.

Năm 2024 và đến ngày 13/2/2025, toàn tỉnh ghi nhận 533 ca mắc chân tay miệng; gần 400 ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết. “Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Dự báo trong thời gian tới, thời tiết nồm, ẩm ướt, nguy cơ thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết”, đồng chí Vũ Việt Dưỡng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) chia sẻ.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm, UBND tỉnh ban hành Công văn số 68 ngày 13/2/2025 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14/11/2024; Công văn số 592/UBND-VP7 ngày 18/11/2024, Công văn số 37/UBND-VP7 ngày 16/1/2025 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 28/1/2025 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh truyền nhiễm tỉnh Nam Định năm 2025.

Sở Y tế chỉ đạo việc theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh; chủ động công tác giám sát, lưu ý việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các cụm, khu công nghiệp... Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em... Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo hậu cần, thuốc, vắc-xin, nhân lực, thiết bị đáp ứng yêu cầu điều trị, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với ngành Y tế đảm bảo vệ sinh môi trường, theo dõi sức khỏe của người lao động, trẻ em, học sinh. Khuyến cáo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, hạn chế tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các trường học, cụm, khu công nghiệp, các điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các trung tâm thương mại, địa điểm công cộng. Quản lý và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi; giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người.

UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo công tác giám sát, phát hiện sớm và triển khai phòng, chống bệnh cúm, sởi, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn huyện, thành phố, đặc biệt tại các lễ hội, khu vui chơi tập trung đông người.

Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 theo Quyết định số 270/QĐ-BYT ngày 22/1/2025 của Bộ Y tế, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 28/1/2025 về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là: Giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh truyền nhiễm, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Bảo đảm nguồn lực, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch; sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.

Thực hiện hiệu quả, tích cực công tác giám sát, kiểm soát bệnh, dịch bệnh; kiện toàn các đội cơ động phòng, chống dịch; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch khi được huy động. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Rà soát, bảo đảm cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác giám sát, xử lý ổ dịch và phòng, chống dịch tại địa phương.

Tổ chức thực hiện hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm hạn chế tối đa các trường hợp trở nặng và tử vong. Tăng cường năng lực cho cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tăng cường năng lực hồi sức tích cực cho các tuyến đáp ứng yêu cầu điều trị; củng cố, tăng cường năng lực hoạt động của tuyến y tế cơ sở phù hợp thực tế tại địa phương và đáp ứng tình hình dịch bệnh. Đảm bảo mọi nguồn lực sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bài và ảnh: Việt Thắng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/suc-khoe/202502/tang-cuong-phong-chongbenh-truyen-nhiemmua-dong-xuan-4c246fd/
Zalo