Tăng cường phòng bệnh cho trẻ

Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, làm tăng nguy cơ lây lan trong cộng đồng và bùng phát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh do sức đề kháng còn kém. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần có những biện pháp để phòng tránh bệnh cho trẻ.

Các bệnh về đường hô hấp hay gặp nhất ở trẻ vào mùa Đông - Xuân như: Viêm mũi xuất tiết, viêm họng cấp, viêm VA (Vegetation Adenoide), viêm Amiđan cấp hoặc hốc mủ, viêm xoang… Trẻ cũng rất dễ mắc bệnh tiêu chảy do vi khuẩn, do ngộ độc thức ăn, do ký sinh trùng, do Rotavirus gây nên, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm. Ngoài ra, mùa Đông - Xuân cũng là điều kiện thích hợp khởi phát các bệnh như: Thủy đậu, sởi, chàm, mày đay... Các bệnh viêm họng, viêm Amidan, viêm V.A, cảm cúm, thủy đậu nếu không chữa trị kịp thời, đúng thuốc đều có thể biến chứng dẫn đến bệnh khớp, phổi. Riêng đối với viêm phổi, phác đồ điều trị phải dùng kháng sinh tiêm và điều trị từ 7 - 8 ngày, tuy nhiên, cũng có những trường hợp kháng thuốc phải điều trị lâu hơn. Đặc biệt, tình trạng trẻ bị viêm phổi nặng sẽ rất dễ dẫn đến suy hô hấp, nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Bác sĩ Chuyên khoa I Lương Thành Long, phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Vào mùa Đông - Xuân, trẻ thường mắc các bệnh lý do virus, vi khuẩn phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết lạnh, ẩm. Những bệnh này thường có triệu chứng điển hình như: Sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, sốt nhẹ hoặc sốt cao, đau họng, khàn tiếng, thở khò khè, thở rít hoặc khó thở, nôn nhiều, đi phân lỏng. Bệnh nặng có thể li bì, mệt mỏi, bỏ ăn, kèm dấu hiệu mất nước. Đối với các bệnh truyền nhiễm cúm A, cúm B có thể xuất hiện sốt cao, ho, chảy dịch mũi, nổi ban theo trình tự từ đầu xuống chân, kèm viêm kết mạc; nổi phỏng nước trên cơ thể, ngứa, có thể sốt nhẹ...

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám tai, mũi, họng cho bệnh nhi.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám tai, mũi, họng cho bệnh nhi.

Hầu hết các bậc cha mẹ thường chủ quan, khi thấy trẻ có các dấu hiệu như: ho, sổ mũi, biếng ăn, sốt nhẹ nhưng không đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị mà tự ý đi mua thuốc về uống. Vì vậy, nhiều trẻ khi nhập viện bệnh đã nặng, sốt cao, co giật. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025, Khoa Nhi đã tiếp nhận trên 4.600 lượt bệnh nhi vào điều trị nội trú, đạt 162,1%. Riêng tháng 2, đã tiếp nhận 282 lượt bệnh nhi chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp như: Viêm phế quản, viêm họng, viêm Amydal, viêm phổi, tiêu chảy... Đa số là trẻ dưới 5 tuổi, có cả trẻ sơ sinh.

Chị Lương Kim Tuyến, xóm Bốc Thượng, xã Bạch Đằng (Hòa An) chia sẻ: Khi thấy con có các triệu chứng như: sốt, ho, sổ mũi kéo dài, gia đình đã nhanh chóng cho con đến bệnh viện khám và được các bác sĩ chuẩn đoán bị bệnh viêm phế quản. Sau khi nhập viện, gia đình được các bác sĩ tận tình chỉ dẫn, hỗ trợ trong quá trình làm thủ tục, thăm khám, chữa trị, hiện, tình trạng sức khỏe của bé đã được cải thiện rất nhiều.

Trước nguy cơ các loại bệnh truyền nhiễm bùng phát thành dịch, việc tuân thủ các khuyến cáo từ Bộ Y tế là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Mỗi cá nhân, nhất là các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần chủ động phòng bệnh bằng cách cho trẻ tiêm vaccin đầy đủ, đúng lịch; giữ ấm cho trẻ đúng cách; duy trì và bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng; giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên rửa tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh. Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Theo khuyến cáo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các biểu hiện như: Sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, ho, đau họng và sổ mũi. Các chủng virus cúm mùa phổ biến gồm: Cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và có thể hồi phục sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, người cao tuổi hoặc người mắc bệnh mạn tính (tim, phổi, thận, chuyển hóa, thiếu máu, suy giảm miễn dịch...), cúm có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm, như: suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim và làm trầm trọng thêm bệnh nền, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, tiêm phòng cúm trước là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Lam Giang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tang-cuong-phong-benh-cho-tre-3176599.html
Zalo