Tăng cường phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng
Trước yêu cầu đảm bảo hoạt động tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử không bị đình trệ khi không còn tổ chức công an cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết 18 của trung ương, các cơ quan tố tụng trong tỉnh đã nhanh chóng thiết lập quy chế phối hợp, tăng cường trao đổi thông tin, kiểm sát chặt chẽ và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo hoạt động tố tụng diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn.
Để kịp thời điều chỉnh phương thức phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong tình hình mới, ngày 27/2/2025, liên ngành Bộ Công an - Viện KSND tối cao - TAND tối cao đã ký Thông tư liên tịch 02.
Thông tư quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trong bối cảnh không còn tổ chức công an cấp huyện. Văn bản này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2025, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các địa phương thực hiện thống nhất.
Quy định cụ thể trách nhiệm, cách thức trao đổi thông tin
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phạm Trung Thuận cho biết: Sau khi Thông tư liên lịch 02 có hiệu lực thi hành, để bảo đảm hoạt động tố tụng hình sự diễn ra liên tục, đúng pháp luật, đáp ứng được tình hình thực tiễn, Viện KSND tỉnh và Công an tỉnh đã tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; điều tra vụ án hình sự đối với điều tra viên, cán bộ điều tra bố trí tại công an cấp xã. Quy chế phối hợp này gồm 3 chương, 12 điều, quy định cụ thể trách nhiệm, nguyên tắc và cách thức trao đổi thông tin, tài liệu giữa hai ngành.

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phạm Trung Thuận phát biểu tại hội nghị ký kết. Ảnh: CTV
Để việc thực hiện quy chế phối hợp này có hiệu quả, lãnh đạo Viện KSND tỉnh yêu cầu viện trưởng viện KSND các huyện, thị, thành phố và lãnh đạo Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự (Viện KSND tỉnh) theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị khẩn trương tổ chức quán triệt, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.
Quá trình thực hiện phối hợp phải được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng nhiệm vụ, quyền hạn của nhau; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Đồng thời, thủ trưởng các đơn vị, viện trưởng viện KSND các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 04 ngày 24/3/2025 của Viện KSND tối cao về tổ chức tinh gọn bộ máy và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát; thực hiện nghiêm và phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh và công an xã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của ngành không để gián đoạn, quá hạn hoặc bỏ sót, lọt nhiệm vụ hoặc vụ việc đang thụ lý giải quyết. Việc rà soát, thống kê, lập danh mục hồ sơ, tài liệu các vụ việc, nhất là các vụ đang tạm đình chỉ, đình chỉ cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.
"Việc không tổ chức công an cấp huyện là chủ trương mới, kéo theo nhiều thay đổi về cơ cấu và cách thức phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị. Trong quá trình triển khai có thể phát sinh khó khăn, vướng mắc, do đó các đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp tháo gỡ. Nếu không thống nhất được thì phải kịp thời báo cáo cấp trên để được hướng dẫn", ông Phạm Trung Thuận nhấn mạnh.
Phát huy vai trò quan trọng của công an xã
Theo đại tá Võ Duy Tuấn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, việc ký kết quy chế phối hợp này đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong tư duy và thực tiễn phòng chống tội phạm. Theo đó, mỗi nguồn tin, tố giác tội phạm được tiếp nhận kịp thời và nhanh chóng xử lý theo đúng quy trình, bảo đảm không để xảy ra tình trạng bỏ sót hoặc quá hạn.
Khi không còn tổ chức công an cấp huyện, vai trò của lực lượng công an cấp xã được nâng lên rõ rệt. Công an xã trực tiếp tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, báo cáo về cơ quan CSĐT cấp tỉnh, đồng thời tham gia hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, hỗ trợ công tác điều tra ban đầu.
Việc không tổ chức công an cấp huyện là một bước đi lớn trong công cuộc tổ chức lại bộ máy hành chính, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức. Phú Yên đang chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt để đảm bảo hoạt động tố tụng vận hành hiệu quả, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật và TTATXH địa phương.
Bên cạnh đó, công an xã còn có nhiệm vụ giám sát người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tại cộng đồng, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và thực hiện quản lý dân cư theo quy định… Với vai trò là lực lượng nắm địa bàn, công an xã có vai trò rất quan trọng trong phòng chống tội phạm, góp phần duy trì ổn định an ninh trật tự tại cơ sở.