Chính phủ thống nhất chủ trương bỏ Cơ quan điều tra VKSND Tối cao
Việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không trái với các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương, Chính phủ thống nhất không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 88 ngày 15/4/2025 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025.
Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2025, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với 06 dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Ảnh minh họa
Theo Nghị quyết, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sửa đổi do Bộ Công an soạn thảo.
Chính phủ giao Bộ Công an rà soát kỹ các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Trung ương liên quan đến Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
“Việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không trái với các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương, Chính phủ thống nhất với việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đúng quy định của Hiến pháp. Trường hợp Quốc hội có ý kiến khác thì Đảng ủy Chính phủ thống nhất với Đảng ủy Quốc hội báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền”, Nghị quyết nêu rõ.
Bộ Công an chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi).
Trước đó, tại dự thảo luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ quy định về cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao. Hệ thống cơ quan điều tra sẽ chỉ còn cơ quan điều tra của CAND và cơ quan điều tra trong QĐND.
Góp ý kiến cho hồ sơ dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị giữ nguyên quy định về Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao như hiện hành.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, việc sắp xếp cơ quan điều tra là tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan của Bộ Công an, Quốc phòng, VKSND Tối cao. Dự thảo "gom các cơ quan điều tra trong từng bộ, ngành lại với nhau sẽ không bảo đảm khách quan, độc lập".
Cơ quan này nêu quan điểm, Viện Kiểm sát là cơ quan có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Viện Kiểm sát tham gia tất cả hoạt động tố tụng tư pháp hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết tin báo đến khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Viện còn trực tiếp giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp. Do vậy có điều kiện để phát hiện xử lý các tội phạm trong lĩnh vực tư pháp hiệu quả hơn các cơ quan khác, nội dung công văn thể hiện.
Là hệ thống cơ quan độc lập và Viện trưởng VKSND Tối cao báo cáo kết quả công tác trực tiếp trước Quốc hội, VKSND Tối cao cho rằng đơn vị có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và trong lĩnh vực tư pháp nói riêng. "Cơ quan điều tra VKSND Tối cao điều tra tội xâm phạm hoạt động tư pháp và các tội về tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp góp phần làm trong sạch nền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người", VKSND Tối cao nêu quan điểm.
Theo VKSND Tối cao, hoạt động điều tra là công tác nối dài của quyền công tố, nhằm phòng ngừa oan sai, chống vi phạm trong hoạt động tố tụng tư pháp.
Trước ý kiến đóng góp cho dự thảo của VKSND Tối cao, Bộ Công an giải thích việc phân định rõ chức năng của cơ quan điều tra, VKS, Tòa án là để không chồng lấn về thẩm quyền. Theo đó, VKSND Tối cao vừa có thẩm quyền điều tra, vừa có thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Nếu vẫn duy trì Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao sẽ không bảo đảm tính khách quan. Nhất là trong trường hợp cán bộ VKS phạm tội song VKSND Tối cao lại vừa điều tra vừa kiểm sát.
Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10. Dự thảo do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, gồm 9 chương, 54 điều; giảm một chương và 19 điều so với luật hiện hành.