Tăng cường liên kết tạo đột phá phát triển giống cây trồng
Thúc đẩy ngành công nghiệp nghiên cứu và sản xuất giống cây trồng cần sự chung tay của nhà nước, nhà trường, nhà khoa học cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Giống gạo thơm ST25, thành quả nghiên cứu hơn 30 năm của kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự, đã thành công đưa thương hiệu gạo Việt Nam lên một tầm cao mới khi đăng quang danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Đây cũng là minh chứng cho thấy đóng góp của giống cây trồng trong ngành nông nghiệp.
GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2024, cả nước có hơn 1 nghìn giống cây trồng được công nhận, góp phần cho ra những dòng nông sản năng suất cao, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và biến đổi khí hậu.
Dù vậy, ông Long chỉ ra, việc công nghiệp hóa ngành giống cây trồng vẫn gặp nhiều bất lợi khi tỷ lệ sử dụng giống đạt chuẩn trong nông nghiệp vẫn còn ở mức thấp, hệ thống sản xuất giống vẫn còn manh mún, lạc hậu cũng như đang có hiện tượng mất cân đối trong nghiên cứu giống giữa cây lương thực với các loại cây trồng khác.
Ngành nông nghiệp đang đối diện với nhiều thách thức, từ cạnh tranh gay gắt của đối thủ quốc tế, sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng cũng như những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, đòi hỏi ngành công nghiệp giống cây trồng phải có sự phát triển tương xứng để tạo thêm giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.

GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam. Ảnh: PAN Group
Trước thực tế đó, lãnh đạo Hội Giống cây trồng Việt Nam đề xuất, cần tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu trong công tác nghiên cứu, phát triển giống cây trồng.
“Tăng cường sự liên kết giữa cơ sở nghiên cứu với vai trò tiên phong của các tập đoàn lớn sẽ tạo ra đột phá trong chọn tạo giống, quy trình sản xuất cũng như công nghiệp chế biến sau”, ông Long nói tại hội thảo khoa học quốc tế đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu do Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn PAN Group phối hợp tổ chức.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - trực thuộc PAN Group, đánh giá, doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng tại Việt Nam.
Ông Trung lý giải, doanh nghiệp có nhiều lợi thế về năng lực tài chính, cơ sở vật chất hiện đại, khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường để định hướng nghiên cứu chọn tạo giống.
Dù vậy, doanh nghiệp cũng vướng phải không ít thách thức khi cơ chế, chính sách chưa thực sự đồng bộ, hạn chế về nhân lực có trình độ chuyên môn sâu, thời gian nghiên cứu dài, chi phí cao trong khi lại phải đối mặt với rủi ro thị trường và khí hậu.
Bên cạnh đó, rủi ro liên quan đến quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp tham gia công tác nghiên cứu, phát triển giống cây trồng.
Liên kết chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu và trường đại học có thể giải quyết phần nào bài toán khó của doanh nghiệp trong phát triển giống cây trồng. Tuy vậy, mối liên kết này cần được củng cố bởi vai trò điều tiết từ phía nhà nước.
Về phía đơn vị nghiên cứu, ông Long chỉ ra, cơ chế của nhà nước đã mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học.

Tập đoàn PAN Group và Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: PAN Group
Cụ thể, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, cho phép thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.
Ghi nhận những cơ chế mới đang tạo điều kiện cho liên kết giữa doanh nghiệp với viện, trường, ông Trung đề xuất bổ sung thêm hệ thống chính sách đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ giống cây trồng, bao gồm ưu đãi về tài chính, hạ tầng nghiên cứu, đào tạo nhân lực, thúc đẩy hợp tác công tư và hợp tác quốc tế.
“Những chính sách này không chỉ giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu giống mới mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam”, lãnh đạo Vinaseed nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu, Tập đoàn PAN Group và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ nhằm gia hạn hoạt động hợp tác giữa hai bên từ năm 2023, với các nội dung về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển quan hệ quốc tế và kết nối đối tác.