Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên tôm hùm nuôi
Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với các đối tượng nuôi chủ lực, thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao. Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Thú y thủy sản (Cục Thú y) xung quanh vấn đề kiểm dịch và công tác phòng, chống dịch bệnh đối với tôm hùm nuôi.
* Để đảm bảo chất lượng tôm hùm giống sạch bệnh, xin ông cho biết công tác kiểm dịch đối với tôm giống nhập khẩu và phòng, chống dịch bệnh trên tôm hùm nuôi thời gian qua như thế nào?
- Tôm hùm là mặt hàng thủy sản có giá trị, được nuôi chủ yếu tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận. Bệnh trên tôm hùm nuôi lồng ở nước ta chủ yếu do một số bệnh truyền nhiễm như bệnh sữa (do vi khuẩn ký sinh nội bào rickettsia like bacteria), đỏ thân (do vi khuẩn vibrio alginolyticus), đen mang (do môi trường ô nhiễm, vi khuẩn vibrio, nấm fusarium, ký sinh trùng…) và một số bệnh thông thường khác. Các bệnh này thường xảy ra rải rác quanh năm, mang tính cục bộ, ít khi bùng phát thành đợt dịch lớn trên diện rộng.
Nguyên nhân chính là do các tác nhân gây bệnh thường xuyên có mặt trong môi trường nước hoặc trong các loài thủy hải sản ngoài tự nhiên. Khi sức khỏe tôm nuôi suy yếu, bị stress do môi trường bất lợi, ô nhiễm vùng nuôi, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng kém… tạo cơ hội cho các tác nhân gây bệnh xâm nhiễm và gây bệnh.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa sản xuất được tôm hùm giống, tôm giống phục vụ sản xuất được khai thác từ tự nhiên và nhập khẩu. Năm 2023, cơ quan chức năng kiểm dịch và cho phép nhập khẩu 808 lô tôm hùm giống với 77,4 triệu con từ các nước Singapore, Philippines, Malaysia, trong đó có 9 lô với hơn 1,6 triệu con được phát hiện dương tính với vi rút gây bệnh đốm trắng (WSSV) buộc phải tiêu hủy.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, kiểm dịch và cho phép nhập khẩu 65 lô với khoảng 10,8 triệu con từ Indonesia, Đông Timor, đảo Solomon, trong đó có 5 lô với số lượng 670.900 con được phát hiện dương tính với vi rút WSSV buộc phải tiêu hủy.
Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và doanh nghiệp triển khai thực hiện công tác giám sát dịch bệnh tôm hùm tại các vùng nuôi. Kết quả, năm 2023 xét nghiệm có 12/17 mẫu tôm hùm tại Phú Yên dương tính với bệnh sữa, 3/3 mẫu dương tính với vi rút WSSV. Năm 2024 có 10/60 mẫu tôm hùm ở Phú Yên và Khánh Hòa dương tính với bệnh sữa.
Năm 2024, Cục Thú y không nhận được báo cáo của địa phương về các ổ dịch phát sinh tại vùng nuôi. Tuy nhiên, tại Phú Yên ghi nhận có 3.670 lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại không rõ nguyên nhân. Qua xét nghiệm, phân tích mẫu của Cục Thú y và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho thấy, hiện tượng tôm hùm, cá biển nuôi ở Phú Yên chết hàng loạt không phải do dịch bệnh, mà do yếu tố môi trường, hàm lượng ôxy hòa tan thấp, mật độ nuôi quá dày, vùng nuôi bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi không thuận lợi cho thủy sản nuôi.
Cục Thú y đã hướng dẫn địa phương tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh để phát hiện, xử lý kịp thời và hướng dẫn người nuôi xử lý môi trường, hạn chế ô nhiễm vùng nuôi. Đồng thời tuyên truyền người nuôi thực hiện đăng ký nuôi, thả giống có nguồn gốc, chứng nhận kiểm dịch, tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng.
* Xin ông cho biết những tồn tại, khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm nuôi?
- Hạ tầng vùng nuôi tôm hùm còn nhiều khó khăn, vùng nuôi hở nên phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường, thời tiết. Quy trình nuôi, quản lý vùng nuôi chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, các tác nhân gây bệnh nguy hiểm và gây bệnh thông thường trên tôm hùm thường xuyên có mặt trong môi trường vùng nuôi. Các địa phương không bố trí hoặc bố trí không đủ kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm, đặc biệt là giám sát chủ động, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân gây thiệt hại tại vùng nuôi.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý chuyên ngành thú y không thống nhất, số lượng cán bộ làm công tác thú y thủy sản từ trung ương đến địa phương còn thiếu và yếu, đặc biệt là thú y tuyến cơ sở. Công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm trong nước chưa được chú trọng, người nuôi chủ yếu mua tôm hùm giống không rõ nguồn gốc được nhập từ Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia… Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện một số lượng lớn tôm hùm giống nhập về không có giấy tờ, không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan.
Mặc dù đã có các quy định, nhưng các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hầu như không nhận được báo cáo dịch bệnh, chia sẻ thông tin từ người nuôi, từ các phòng thử nghiệm tư nhân, kể cả một số viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, các doanh nghiệp lớn và cơ quan quản lý thủy sản.
Việc báo cáo dịch bệnh trên hệ thống VAHIS theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại một số địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm. Nhiều người tổ chức nuôi với mật độ dày, không chủ động áp dụng biện pháp phòng bệnh, khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi thường tự xử lý, không khai báo với cơ quan thú y, gây nguy cơ mầm bệnh phát tán, lây lan rộng cho vùng nuôi.
* Nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nuôi, những giải pháp cũng như định hướng trong công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm nuôi thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm trong nước nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng tôm giống cung cấp cho các hộ nuôi. Xem xét, bổ sung quy định về vùng nuôi tập trung và hạ tầng dùng chung đối với vùng nuôi để đảm bảo cơ sở pháp lý phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và công tác phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản hiệu quả hơn.
Bổ sung quy định chi tiết về điều kiện nuôi trồng thủy sản đối với cơ sở nuôi biển, cụ thể như khoảng cách giữa hai cơ sở liền kề, tỉ lệ thể tích lồng nuôi trên tổng diện tích khu vực biển được cấp phép, quy định về mật độ thả nuôi để bảo đảm cho thủy sản sinh trưởng, phát triển thuận lợi, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn và địa phương cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các thông tư, văn bản hướng dẫn về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản. Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ dịch bệnh làm tôm hùm chết nhiều và chết bất thường để xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý triệt để. Thực hiện giám sát chủ động, điều tra, xử lý ổ dịch theo kế hoạch nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh.
Địa phương cũng cần nâng cao trách nhiệm, chủ động phòng chống dịch bệnh, tăng cường kiểm dịch tôm hùm giống xuất tỉnh nhằm bảo đảm kiểm soát, kiểm dịch trước khi vận chuyển. Các cơ sở ương dưỡng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng con giống trước khi xuất bán cho người nuôi.
Các địa phương xem xét kiện toàn, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm dịch tôm hùm giống, kiểm soát và quản lý tôm hùm giống nhập tỉnh. Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa các tỉnh về vận chuyển tôm hùm giống xuất và nhập trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm.
* Xin cảm ơn ông!
Năm 2024, Phú Yên có hơn 186.000 lồng nuôi thủy sản (gấp 3,8 lần so với quy hoạch), trong đó huyện Tuy An khoảng 12.920 lồng (10.370 lồng tôm hùm ương, 85 lồng tôm hùm thịt, hơn 2.420 lồng cá biển, 45 lồng thủy sản khác), TX Đông Hòa 38.500 lồng (36.760 lồng tôm hùm thịt, 1.740 lồng cá biển), TX Sông Cầu 134.610 lồng (395 lồng tôm hùm ương, 129.320 lồng tôm hùm thịt, 4.895 lồng cá biển).