Vai trò, đóng góp to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong quá trình tìm đường cứu nước, nhận rõ tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết thành lập một chính đảng vô sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho sự ra đời của Đảng.
Đến khi thời cơ chín muồi, với nhãn quan chính trị sắc bén, Người đã chủ động triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Đông Dương, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930. Sự kiện đó mở ra chương mới trong lịch sử phát triển của dân tộc, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cách mạng trước hết phải có đảng cách mạng
Ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước. Trong hành trình muôn dặm vất vả, gian lao, vượt qua rất nhiều hiểm nguy, Người đã tìm đến ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, tiếp cận chân lý của thời đại, đó là Chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có còn đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1.
Để hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng đó, Người tự đặt ra câu hỏi: “Cách mệnh trước hết phải có gì?” và cũng chính Người tự trả lời cho câu hỏi đó: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”2.
Theo Người, thành lập được đảng rồi, không có nghĩa là cách mạng sẽ thành công, mà cần phải chăm lo xây dựng đảng vững mạnh, đủ sức chèo lái “con thuyền” cách mạng đi đến thắng lợi: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy”3.
Đảng muốn vững mạnh, phải lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt”, phải chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Từ việc nhận thức vị trí, vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, Người đã tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho sự ra đời của một chính đảng vô sản, tiến tới chấm dứt khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo của cách mạng Việt Nam.
Tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngay sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc gấp rút chuẩn bị các tiền đề cần thiết về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về tư tưởng: Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản đã tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, nhằm làm cho hệ tư tưởng Chủ nghĩa Mác - Lênin giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội. Thông qua các tác phẩm văn học, báo chí, các bài viết với ngôn từ giản dị, gần gũi, thiết thực, Người đã chuyển tải những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin vào các tầng lớp nhân dân Việt Nam, từ đó thức tỉnh mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, làm chuyển từ lập trường yêu nước xích dần đến lập trường của giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, Người đã vạch trần bản chất xấu xa, tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam và đấu tranh với các quan điểm sai trái, nhằm bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Về chính trị: Người đã phác thảo những vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, được thể hiện tập trung trong những bài giảng của Người cho những cán bộ cốt cán của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927, được xuất bản thành sách với nhan đề “Đường kách mệnh” vào năm 1927.
Tác phẩm "Đường kách mệnh" chỉ ra vấn đề then chốt của cách mạng Việt Nam, đó là: Cách mạng Việt Nam phải theo con đường cách mạng vô sản, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chủ yếu là công nông; cách mạng muốn thành công phải có một đảng Cộng sản lãnh đạo; phải có đường lối và phương pháp cách mạng đúng; cách mạng giải phóng dân tộc phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới… các nội dung trên được phản ánh đầy đủ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Người khởi thảo và thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.
Về tổ chức: Cùng với quá trình chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, một tổ chức quá độ, vừa tầm, để huấn luyện, đào tạo cán bộ, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn và truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Từ năm 1925 đến năm 1927, Người đã mở 3 lớp đào tạo cán bộ cách mạng cho 75 đồng chí là những thanh niên ưu tú của dân tộc. Các học viên trong lớp này sau này là những cán bộ chủ chốt và kiên trung của Đảng, có đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Trực tiếp chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930, ở Việt Nam, ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời là Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6-1929), An Nam Cộng sản Đảng (tháng 11-1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (tháng 1-1930). Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản làm cho lực lượng bị phân tán và thiếu thống nhất về tổ chức.
Lúc đó, Nguyễn Ái Quốc mặc dù đang hoạt động ở nước ngoài nhưng vẫn thường xuyên theo dõi tình hình cách mạng trong nước. Người cho rằng, nếu tiếp tục tồn tại ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam về lâu dài không có lợi cho cách mạng.
Với trách nhiệm trước lịch sử, dân tộc và nhãn quan chính trị sắc bén, cuối năm 1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc đó đang ở Xiêm (Thái Lan) đã chủ động về triệu tập đại biểu đại diện các tổ chức công sản, chuẩn bị cho hội nghị (mặc dù chưa nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về yêu cầu thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam), bàn về hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Đông Dương.
Ngày 23-12-1929, Nguyễn Ái Quốc đã rời Xiêm đi sang Hồng Công, Trung Quốc để chuẩn bị triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. Hội nghị diễn ra từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930, tại Cửu Long - Hồng Kông (Trung Quốc).
Tại Hội nghị, dưới sự điều hành khéo léo và tài tình của Nguyễn Ái Quốc, các đại biểu đã nhất trí “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”4 và thành lập một chính đảng cộng sản duy nhất ở Đông Dương, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện trên đã trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên mặc dù còn tóm tắt, nhưng đã vạch ra những vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam, như về phương hướng chiến lược của cách mạng, nhiệm vụ cách mạng, lực lượng cách mạng, phương pháp cách mạng, mối quan hệ cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, và về vai trò lãnh đạo của Đảng.
Các nội dung của Cương lĩnh chính trị đầu tiên vừa thấm nhuần sâu sắc quan điểm Chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản, đồng thời có sự sáng tạo nổi bật của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và thông qua được Cương lĩnh đúng đắn, với vai trò to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam có một chính đảng cộng sản duy nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam lãnh đạo, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cách đây gần 95 năm, tuy nhiên, tầm vóc của sự kiện đó vẫn còn giá trị trường tốn đối với sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng cảm nhận và đánh giá được công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với sự ra đời, phát triển và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”5 như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, cần đẩy mạnh và đi vào thực chất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.30.
2.3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.289.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.1.
5. GS, TS Tô Lâm, “Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 1-11-2024.