Cục CSGT lý giải về việc quy định 'cấm' tài xế ô tô kinh doanh vận tải lái liên tục quá 4 tiếng

Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025, người lái xe ô tô kinh doanh vận tải không được phép lái xe liên tục quá 4 tiếng, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 tiếng và không được lái xe quá 48 tiếng một tuần.

CSGT kiểm tra giấy tờ tài xế xe khách.

CSGT kiểm tra giấy tờ tài xế xe khách.

Nghị định 168/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX), thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Trong đó điểm đáng chú ý là tài xế ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, nếu lái xe quá thời gian quy định nêu trên, hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng, trừ 2 điểm GPLX.

Ngoài ra, chủ phương tiện cũng sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng đối với cá nhân và 8-12 triệu đồng đối với tổ chức.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết quy định về thời gian lái xe trên được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ trước đây và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.

Theo quy định Bộ luật Lao động 2019, thời gian làm việc bình thường của người lao động tại Việt Nam không quá 8 tiếng trong một ngày và 48 tiếng trong một tuần. Đồng thời, việc quy định lái xe không quá 48 tiếng mỗi tuần cũng phù hợp theo Công ước Vienna về giao thông đường bộ.

Đại diện Cục CSGT cho biết, sau 4 tiếng lái xe liên tục, người lái xe có thể nghỉ ngơi và sau khoảng 15 phút, họ được phép lái xe tiếp tục hành trình. Việc này giúp tài xế được tỉnh táo, không bị mệt mỏi dễ dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn.

"Khi lái xe tập trung quá lâu với thời gian trên 4 tiếng liên tục, theo nguyên lý sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi. Việc nghỉ ngơi giúp hệ thần kinh ngắt tình trạng căng thẳng, giúp tái tạo sức lao động" - đại diện Cục CSGT nói.

Đồng thời, quy định thời gian lái xe, nghỉ ngơi của tài xế còn là biện pháp bảo an toàn sức khỏe cho họ, góp phần giảm thiểu rủi ro tai nạn khi tham gia giao thông. Việc thực hiện hiệu quả các quy định này cũng đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa ý thức cá nhân và trách nhiệm của các tổ chức vận tải.

Tài xế xe kinh doanh vận tải không được lái xe quá 4 tiếng liên tục.

Tài xế xe kinh doanh vận tải không được lái xe quá 4 tiếng liên tục.

Cơ quan chức năng khuyến cáo tài xế khi lái xe cần giữ tâm lý thoải mái nhất, khi cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ cần phải nghỉ ngơi ngay, dù có thể chưa đến 4 tiếng lái xe liên tục, tuyệt đối không nên "cố lái thêm".

Đại diện Cục CSGT cho biết thêm, việc quy định thời gian nghỉ ngơi còn giúp ngăn nguy cơ tài xế sử dụng chất kích thích và việc sử dụng chất kích thích có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. "Không có chất kích thích nào thay thế được việc nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi" - đại diện Cục CSGT nói.

Vị đại diện Cục CSGT đưa ra hướng dẫn trong các tình huống bất khả kháng, tài xế gặp kẹt xe trong thành phố hoặc điểm dừng xe nghỉ ngơi không đảm bảo, họ có thể tiếp tục hành trình để thoát khỏi khu vực đó.

Bởi, khi xem xét các tình huống, CSGT sẽ tính toán thêm các yếu tố liên quan, không chỉ tập trung vào xử phạt. Tuy nhiên, người lái xe sau khi thoát khỏi khu vực bất khả kháng, cần thực hiện ngay việc nghỉ ngơi, tránh lạm dụng để cố lái xe.

Theo Cục CSGT, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm soát các lái xe đường dài, để họ có sự chủ động, lường trước và tính toán về thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đúng quy định.

Thanh Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuc-csgt-ly-giai-ve-viec-quy-dinh-cam-tai-xe-o-to-kinh-doanh-van-tai-lai-lien-tuc-qua-4-tieng-post1708713.tpo
Zalo