Tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai cho người dân tỉnh Cao Bằng

Một ngôi nhà tránh trú dành cho cộng đồng đã được khởi công xây dựng tại bản Chồi, xã Đình Bình, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng vào ngày 9/4. Công trình này là một phần trong khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Bắc bị thiệt hại nghiêm trọng bởi bão Yagi và lũ lụt do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện với sự tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản.

Ông Naoki Ito, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại lễ khởi công xây dựng Nhà tránh trú cộng đồng. Ảnh: Ngọc Hà

Ông Naoki Ito, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại lễ khởi công xây dựng Nhà tránh trú cộng đồng. Ảnh: Ngọc Hà

Tham dự buổi lễ có ông Naoki Ito, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và Phu nhân; bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM); bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Nhà tránh trú cộng đồng tại bản Chồi có tổng diện tích gần 200m2 có khả năng đảm bảo tránh trú cho 150 người khi có thiên tai hoặc tình huống khẩn cấp. Đây là công trình mang ý nghĩa thiết thực trong nỗ lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực dễ bị tổn thương.

Công trình Nhà tránh trú cộng đồng có khu nhà tránh trú chính được thiết kế như một nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng bao gồm sân khấu, hội trường dùng khi có hội họp, và biểu diễn văn nghệ cho người dân địa phương khi thời tiết bình thường. Khi có thiên tai, khu vực sân khấu sẽ được sử dụng làm nơi sinh hoạt cho phụ nữ và trẻ em, đảm bảo kín đáo.

Các hạng mục phụ trợ gồm có khu nhà tắm kết hợp vệ sinh 4 phòng (2 nam, 2 nữ riêng biệt; có dốc cho xe lăn dành cho người khuyết tật; có sân đổ bê tông để tập kết, lưu trữ trang thiết bị, nhu yếu phẩm khi thiên tai và là sân chơi, sinh hoạt thể thao cho người dân trong điều kiện thời tiết bình thường.

Cùng với đó là hệ thống điện, đèn chiếu sáng, quạt gió, nước; hệ thống nước, téc nước 2m3; hệ thống nước thải; hệ thống chống sét theo tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Trường Sơn hy vọng rằng mô hình xây dựng Nhà tránh trú cộng đồng sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong thời gian tới. Ảnh: Ngọc Hà

Ông Nguyễn Trường Sơn hy vọng rằng mô hình xây dựng Nhà tránh trú cộng đồng sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong thời gian tới. Ảnh: Ngọc Hà

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: “Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Hàng năm, Việt Nam phải đối mặt với hàng chục loại hình thiên tai như bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất... gây thiệt hại lớn về người, tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như nơi chúng ta đang đứng đây hôm nay”.

Theo ông Sơn, nhận thức rõ điều đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chiến lược, chương trình hành động, dự án cụ thể nhằm tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Một trong những định hướng quan trọng là phát triển hạ tầng phòng, chống thiên tai có tính bền vững, dựa vào cộng đồng và hướng tới nhóm dễ bị tổn thương nhất - bao gồm phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật.

Ông Sơn khẳng định: “Nhà tránh trú cộng đồng tại xã Đình Phùng chính là minh chứng cụ thể cho định hướng đó. Công trình không chỉ là nơi trú ẩn an toàn cho người dân trong mùa mưa bão, mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường gắn kết, chia sẻ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đồng thời nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai của chính người dân địa phương".

“Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao mô hình hỗ trợ từ quốc tế được triển khai bài bản, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm và hy vọng rằng mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong thời gian tới” - ông Sơn chia sẻ.

Các đại biểu khởi công xây dựng Nhà tránh trú cộng đồng tại bản Chồi. Ảnh: Ngọc Hà

Các đại biểu khởi công xây dựng Nhà tránh trú cộng đồng tại bản Chồi. Ảnh: Ngọc Hà

Tại Cao Bằng, Đoàn công tác đã đến thăm xã Kim Cúc, địa phương được xếp vào loại khu vực đặc biệt khó khăn, nơi họ đã tận mắt chứng kiến tác động của trận bão Yagi năm 2024 đến cuộc sống của người dân. Đoàn cũng chứng kiến các kết quả cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch, vệ sinh, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ tâm lý cho phụ nữ và trẻ em của UNICEF.

Tại các trường học ở địa phương, Đoàn đã tham gia sự kiện vẽ tranh và các trò chơi truyền thống cùng với các học sinh tiểu học, với nội dung tập trung vào giảm thiểu rủi ro thiên tai và chống chịu khí hậu. Ngoài ra, Đoàn cũng đến thăm một phòng tư vấn tâm lý do UNICEF hỗ trợ.

Trước đó, chiều 8/4, đoàn công tác của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và UNICEF, IOM đã làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng và Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại trụ sở UBND tỉnh Cao Bằng. Theo đó tỉnh Cao Bằng nhận viện trợ khắc phục bão Yagi tổng trị giá 326.844,608 USD bằng hàng hóa và 2.127.348,07 USD tiền mặt từ các quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có từ IOM và UNICEF.

Các hoạt động của IOM đã và đang triển khai tại Cao Bằng gồm: Phát 1.100 thùng hàng (1,7 tỷ đồng) cho 4.965 người tại 8 xã; và xây dựng 1 nhà tránh trú tại bản Chồi.

Bão Yagi - một trong những cơn bão có sức tàn phá lớn nhất trong vòng 70 năm qua - đã gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Riêng tại Cao Bằng, bão đã khiến 55 người thiệt mạng, gần 2.000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 1.060 hộ gia đình rơi vào tình trạng không có nơi ở.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-kha-nang-chong-chiu-voi-thien-tai-cho-nguoi-dan-tinh-cao-bang-post488665.html
Zalo