Hàng nghìn hecta cao su ở Quảng Bình đang vào vụ thu hoạch bỗng xuất hiện bệnh 'lạ'

Hàng nghìn hecta (ha) cao su của các công ty và của người dân trên địa bàn Quảng Bình đang vào vụ thu hoạch (cạo mủ) bỗng dưng xuất hiện bệnh 'lạ'. Hơn 70% diện tích cao su vừa đâm chồi non bị rụng lá hoặc héo quắt.

Bệnh “lạ”

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong tại 2 “thủ phủ” cây cao su của Quảng Bình là thị trấn Nông Trường Việt Trung (Bố Trạch) và thị trấn Nông Trường Lệ Ninh (Lệ Thủy): Những cây cao su có tuổi đời hàng chục năm, vừa mới nhú lá non sau mùa rụng lá thì đột ngột rụng lá hoặc héo quắt. Có những diện tích lá héo đã khô quắt, vỡ vụn như bánh tráng khi có lực tác động.

Hàng nghìn ha cao su vừa mới đâm chồi non tại Quảng Bình bỗng dưng héo quắt.

Hàng nghìn ha cao su vừa mới đâm chồi non tại Quảng Bình bỗng dưng héo quắt.

Ông Dương Hồng Sinh - Phó trưởng Phòng kinh doanh-kỹ thuật Công ty CP Việt Trung cho biết: Theo kế hoạch, vào đầu tháng 4/2025, toàn bộ hơn 1.100 ha cây cao su của Công ty CP Việt Trung sẽ đưa vào khai thác mủ trở lại sau một thời gian tạm ngừng để chờ thay lá và bón phân chăm sóc. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày lại đây, phần lớn diện tích cao su của công ty vừa mới ra lá non thì đột ngột héo quắt.

Tượng tự, Giám đốc Công ty CP Lệ Ninh Lê Thanh Hùng cho hay, bệnh “lạ” xuất hiện trên những vườn cây cao su của đơn vị từ những ngày cuối tháng 3/2025 và bắt đầu bùng phát, lây lan mạnh từ ngày 6/4/2025. Hiện tượng bệnh “lạ” xảy ra trong quá trình cây cao su ra bộ lá mới, khiến đa phần bộ lá của các vườn cây cao su của công ty bị nhiễm bệnh.

“Hiện, diện tích vườn cây cao su của công ty bị nhiễm bệnh khoảng 1.000 ha; trong đó 80% bị nhiễm bệnh nặng. Các vườn cây cao su bị nhiễm bệnh nặng đều đang trong quá trình khai thác mủ, tập trung nhiều nhất tại các đội sản xuất số 1, 3, 4, Phú Cường, Quyết Tiến. Đây là bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện trên vườn cây cao su của công ty trong 64 năm qua…” - Giám đốc Công ty CP Lệ Ninh thông tin.

Không chỉ có cao su của 2 công ty lớn dính bệnh “lạ” mà nhiều hộ dân trồng cao su ở Quảng Bình cũng rất hoang mang trước hiện tượng chưa từng gặp này. Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh - ông Phạm Minh Điền chia sẻ: Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn khoảng 30 hộ gia đình có diện tích cao su nhiễm bệnh “lạ”.

Có nơi, lá cao su non không héo mà rụng hàng loạt như cao su vào mùa thay lá.

Có nơi, lá cao su non không héo mà rụng hàng loạt như cao su vào mùa thay lá.

Người dân trồng cao su ở đây đang thấp thỏm lo lắng bởi vẫn chưa xác định được nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Các vườn cây cao su bị nhiễm bệnh đã ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất và đời sống của người dân trên địa bàn…

Chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh

Từ khi xuất hiện bệnh “lạ” trên các vườn cây cao su, lãnh đạo 2 công ty cao su đã báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Bình. Đồng thời, chủ động liên hệ với Tập đoàn cao su Việt Nam, các viện nghiên cứu, nhà khoa học nhằm tìm hiểu nguyên nhân, nhằm có biện pháp phòng trừ. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh và biện pháp phòng, trị bệnh cho các vườn cây cao su.

Việc khai thác mủ phải tạm dừng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng trăm công nhân.

Việc khai thác mủ phải tạm dừng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng trăm công nhân.

Tại Công ty CP Việt Trung, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VI (Cục Thực Vật-Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tiến hành điều tra, xác minh nguyên nhân. Bước đầu, các chuyên gia nghi ngờ cây cao su bị héo, rụng lá do sốc nhiệt, sốc sinh lý.

Do chưa thể tìm ra nguyên nhân gốc rễ, trước mắt Công ty CP Việt Trung dùng máy bay không người lái tiến hành phun thử nghiệm một số loại thuốc để chữa bệnh, dưỡng lá trên diện tích 10ha, nếu thấy hiệu quả thì tiếp tục nhân rộng...

Ông Dương Chí Bình - Giám đốc Công ty CP Việt Trung thông tin thêm, bệnh “lạ” xuất hiện khiến việc khai thác mủ buộc phải tạm ngưng hoàn toàn. Theo dự đoán, thời gian để cây cao su bị héo lá đâm chồi trở lại cũng mất cả tháng.

Dùng máy bay không người lái phun thuốc thử nghiệm.

Dùng máy bay không người lái phun thuốc thử nghiệm.

Như vậy, thời gian khai thác mủ của toàn công ty đã bị đình trệ từ 1-1,5 tháng/năm, tương đương với lượng mủ bị thất thu gần 200 tấn, thiệt hại ước tính gần 10 tỉ đồng; gần 300 công nhân cạo mủ của công ty sẽ thiếu việc làm trong quãng thời gian này; nhà máy chế biến mủ cao su buộc phải hoạt động trong tình trạng thiếu nguyên liệu, rất lãng phí, tốn kém...

Tương tự, hiện việc khai thác mủ cao su của hơn 1.300ha tại Công ty CP Lệ Ninh cũng đang phải tạm dừng lại, gây ảnh hưởng đến thu nhập của 250 lao động trực tiếp khai thác mủ cao su; đồng thời gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cao su của công ty.

Máy bay không người lái phun thuốc thử nghiệm cứu rừng cao su tại Công ty CP Việt Trung.

Một công nhân cạo mủ cao su tâm sự: “Với công nhân cạo mủ, hưởng lương hàng tháng phụ thuộc nhiều vào sản lượng mủ cao su thu hoạch được. Bây giờ, việc cạo mủ bị ngưng trệ, đồng nghĩa với thời gian tới công nhân cạo mủ sẽ không có thu nhập, phải tìm kiếm thêm công việc khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hang-nghin-hecta-cao-su-o-quang-binh-dang-vao-vu-thu-hoach-bong-xuat-hien-benh-la-post1734731.tpo
Zalo