Những công trình tạo nên diện mạo Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, văn minh
Sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình ngoạn mục về phát triển hạ tầng giao thông, tạo diện mạo mới cho thành phố.

Cầu bộ hành trên đường Phạm Văn Đồng đoạn qua thành phố Thủ Đức là một trong số hàng trăm cây cầu bộ hành giúp người đi bộ băng qua đường an toàn ở các trục đường lớn trong Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cầu Nguyễn Văn Cừ bắc ngang qua ngã 3 Kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, Kênh Đôi, Kênh Tẻ nối liền Quận 5, Quận 8, Quận 1, Quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)

Cầu Thủ Thiêm kết nối giao thông giữa trung tâm đô thị hiện hữu với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần giảm ùn tắc giao thông và phát triển kinh tế-xã hội Thành phố. (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)

Cầu Phú Lâm tọa lạc tại Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh là cây cầu quan trọng kết nối khu vực trung tâm thành phố với các quận phía Tây góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy giao thương giữa các khu vực. (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)

Cầu Long Đại kết nối giao thông thông suốt giữa phường Long Phước với phường Long Bình (thành phố Thủ Đức) có chiều dài 765m, rộng 14m, tổng mức đầu tư 354 tỷ đồng giúp người dân trong khu vực đi lại thuận tiện hơn. (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)

Cầu vượt vòng xoay Cây Gõ có 2 làn xe chạy và 1 trục phụ từ đường 3 Tháng 2 nối vào đường Hồng Bàng hướng về Ngã ba An Lạc và các tỉnh miền Tây giúp giảm ùn tắc giao thông trong khu vực. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nút giao Trạm 2 trên Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 được thiết kế đa tầng hiện đại nằm ở cửa ngõ phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)

Hàng chục cây cầu bắc ngang qua Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè dài gần 9km (qua các Quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cầu Ba Son là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn với chiều dài gần 1.500m, 6 làn xe, có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, kết nối giao thông giữa trung tâm đô thị hiện hữu với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)

Cầu Sài Gòn 2 góp phần giảm áp lực giao thông lên cầu Sài Gòn trước đây, giảm ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo tính đồng bộ với quy mô của tuyến Xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)

Cầu Bình Triệu 1 và Bình Triệu 2 bắc qua sông Sài Gòn trên tuyến đường quốc lộ 13 nối liền quận Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cầu Bình Lợi xuôi trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, bắc qua sông Sài Gòn nối liền quận Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)

Nút giao vòng xoay dưới chân cầu Bình Triệu kết nối đường Phạm Văn Đồng với quốc lộ 13, là điểm giao thông trọng yếu cửa ngõ phía Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần kết nối thành phố với tỉnh Bình Dương và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)

Cầu Phú Mỹ là công trình cầu dây văng hiện đại của Việt Nam được khởi công năm 2005 và hoàn thành năm 2009 với chiều dài cầu hơn 2.000m, tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)