Tăng cường hành động bảo vệ hành tinh xanh
Các cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm trên thế giới thời gian qua dù đạt một số bước tiến, song vẫn còn chậm. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp nhằm ứng phó các cuộc khủng hoảng mà hành tinh xanh đang phải hứng chịu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: undp.org)
Trong thông điệp mở đầu Báo cáo hằng năm mà UNEP công bố mới đây, Giám đốc điều hành Inger Andersen lo ngại rằng, nhân loại chưa thoát khỏi hiểm nguy khi mà nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng, các hệ sinh thái đang biến mất và ô nhiễm vẫn là mối đe dọa chết người.
UNEP từng cảnh báo rằng, các quốc gia cần giảm 42% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 để có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học dự đoán, nếu không hành động quyết liệt, nhiệt độ Trái đất có thể tăng từ 2,6°C đến 3,1°C trong thế kỷ này, gây ra những hậu quả thảm khốc.
Ðể giảm bớt mối lo, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Thủ đô Baku của Azerbaijan tháng 11/2024 đã nhất trí về các tiêu chuẩn của thị trường các-bon toàn cầu. Tăng gấp ba lần tài trợ cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cũng là điều được hứa hẹn. Tuy nhiên, báo cáo của UNEP nhận định rằng, cam kết này vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của mọi quốc gia.
Tình trạng ô nhiễm nhựa là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sức khỏe của con người và hành tinh. Hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm và phần lớn trong số đó bị thải ra môi trường cho thấy rõ điều đó. Bởi vậy, một hiệp ước toàn cầu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa là điều mà quốc tế mong mỏi, được mở đường nhờ nghị quyết của Ðại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) năm 2022.
Tại thành phố Busan của Hàn Quốc cuối năm 2024, các quốc gia đạt được tiến bộ đáng kể hướng tới đạt được hiệp ước, với hầu hết các điều khoản được nhất trí. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán lại bị trì hoãn khiến không có văn bản cuối cùng nào được thống nhất.
Suy giảm đa dạng sinh học cũng là một trong những bài toán hóc búa đặt ra với nhiều quốc gia. Nhằm thúc đẩy ngăn chặn tình trạng này, tại Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP16) ở thành phố Cali của Colombia, các quốc gia nhất trí chính thức công nhận và mở rộng vai trò của người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Dù vậy, các vấn đề liên quan việc huy động nguồn lực và khuôn khổ giám sát vẫn phải đợi tới phiên họp tiếp theo dự kiến được tổ chức trong những ngày tới.
Một trong những thành quả quan trọng khác được UNEP nêu trong báo cáo chính là việc các quốc gia cam kết dành hơn 12 tỷ USD cho các sáng kiến tăng cường khả năng chống chịu hạn hán, phục hồi và chống suy thoái đất. Cam kết này được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (COP16) ở Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Tuy nhiên, UNEP cũng chỉ ra rằng, một công cụ pháp lý mạnh mẽ và ràng buộc để các quốc gia cùng tham gia vào nỗ lực này vẫn chưa thể xây dựng được.
Trong báo cáo, UNEP kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn và tăng cường hành động trong thời gian tới. Các quốc gia cần đệ trình mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính trong vòng tiếp theo của Ðóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong bối cảnh nhiều nước đã lỡ hẹn. Cùng với đó, UNEP cũng kêu gọi các bên hướng tới việc thống nhất một công cụ mạnh mẽ nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa trước khi UNEA diễn ra cuối năm 2025.
Căng thẳng địa chính trị leo thang được xem là “bức tường” cản trở các nỗ lực vì môi trường. Như người đứng đầu UNEP nhận định, trong bối cảnh đầy thách thức, giải pháp duy nhất để bảo vệ hành tinh xanh chính là đẩy mạnh hợp tác đa phương. Chỉ có vượt qua khác biệt thì cộng đồng quốc tế mới có thể chung tay xây dựng một hành tinh bền vững hơn.