Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2024, trên địa bàn cả nước hầu hết đều xảy ra các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi lợn. Trên địa bàn Hà Nam, trong năm 2024 đã xảy ra 01 ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên.

Đáng lưu ý, thời điểm cuối năm thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển và lây lan; trong khi đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ động vật, các sản phẩm động vật gia tăng mạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Do đó, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm xảy ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là rất cao.

Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm có khả năng xảy ra trên diện rộng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp. Đồng thời, xây dựng, phê duyệt và ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2025, chủ động bố trí kinh phí cho công tác tiêm phòng vắc - xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng, kinh phí giám sát dịch bệnh, hỗ trợ tiêu hủy, công cho người tham gia chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra… Rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc - xin bổ sung từ tháng 1-3/2025 cho đàn vật nuôi. Trong đó, chú ý tiêm phòng đầy đủ đối với các bệnh được tỉnh hỗ trợ vắc - xin, như: Lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, dại chó mèo, viêm da nổi cục trâu bò. Ngoài ra, khuyến khích người chăn nuôi tự tiêm phòng cho đàn vật nuôi các loại vắc - xin khác, như: Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, tai xanh lợn…

Tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh trên diện hẹp; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh theo đúng quy định. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm và cách nhận biết, phòng chống các bệnh truyền nhiễm động vật, như: bệnh lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh lợn, viêm da nổi cục trâu bò, dại… Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để người dân tự giác khai báo chăn nuôi khi có tái nhập đàn mới, khai báo dịch bệnh khi có gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh truyền nhiễm; không vứt xác động vật ốm chết ra ngoài môi trường, không mua bán, giết mổ động vật ốm, chết không rõ nguyên nhân. Thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, định kỳ thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm; khu vực buôn bán, điểm thu gom, giết mổ động vật nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là hoạt động giết mổ, sơ chế, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật làm phát sinh dịch bệnh…

Thực hiện đồng bộ, kiên quyết, triệt để, hiệu quả các biện pháp nói trên, tin tưởng Hà Nam sẽ kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp, bảo đảm nhân dân đón Xuân bình an, hạnh phúc.

Hà Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-dich-benh-dong-vat-142676.html
Zalo