Vẫn nhức nhối chuyện nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật
Mặc dù lực lượng chức năng đã tiến hành các biện pháp kiểm tra, bắt giữ liên tục, nhưng tình hình nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật vẫn không giảm. Tình trạng buôn lậu động vật, sản phẩm động vật gây hậu quả lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
Chiều ngày 21/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị "Phòng chống nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Xử lý hàng trăm vụ nhập lậu động vật
Tại hội nghị, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thông tin, thời gian qua công tác buôn lậu vẫn còn nhức nhối, phức tạp. Điển hình, năm 2024, khi cục này cùng đoàn công tác kiểm tra tại tỉnh Cao Bằng đã phát hiện gà, vịt con bán tại chợ không có nguồn gốc, tình trạng buôn bán công khai nhưng không có ai kiểm soát.
Cục Chăn nuôi cũng làm việc tại TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), ghi nhận trong 8 tháng đầu năm 2024 phát hiện 12 vụ vận chuyển gia cầm giống với hơn 156 nghìn gà, vịt con; hai vụ động vật cảnh với gần 1.500 con rùa cảnh, cá cảnh…
Đại diện Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (C05, Bộ Công an) cũng xác nhận, dù các lực lượng chức năng đã tiến hành các biện pháp kiểm tra, bắt giữ liên tục nhưng tình hình vẫn không giảm.
Đại tá Lê Thơm - Phó Cục trưởng Cục C05 (Bộ Công an) xác nhận, thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã tiến hành các biện pháp kiểm tra, bắt giữ liên tục, nhưng tình hình vẫn không giảm, thậm chí các đối tượng buôn lậu đã thay đổi về hình thức, tinh vi hơn. Ví dụ như ở Quảng Ninh, nếu trước đây là động vật thì bây giờ đã chuyển sang trứng gia cầm, giống thủy sản để dễ tiêu thụ, lẩn trốn.
Ngày 11/1/2025, C05 đã bắt quả tang một đơn vị ở huyện Đức Hòa (Long An) đưa 900 con lợn bệnh vào giết mổ đưa đi tiêu thụ tại các quầy hàng. Ngày 13/1, cơ quan chức năng đã lấy 24 mẫu để xét nghiệm, trong đó có đến 19 mẫu phát hiện dịch tả lợn châu Phi, tai xanh..., hiện số lượng lợn này đã được cho tiêu hủy theo quy định.
Ngoài ra, do chênh lệch giá cả, lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng đã lôi kéo người dân tham gia vào buôn lậu: “Tại khu vực Tây Nam bộ, mỗi con trâu, bò khi được lùa qua biên giới có thể được trả công đến 800.000 đồng” - ông Lê Thơm dẫn chứng.
Theo đại diện Bộ Công an, năm 2024, C05 đã xử lý vi phạm trong lĩnh vực nhập lậu trên 300 vụ với 188 đối tượng, phạt tiền trên 8 tỷ đồng, khởi tố 11 vụ với 18 bị can.
Kiểm soát chặt các sản phẩm động vật nhập khẩu
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, năm 2024 Cục Thú y đã rà soát, sửa đổi ban hành Thông tư số 04/2024-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016-TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; đồng thời đánh giá nghiêm ngặt, xem xét kĩ lưỡng các sản phẩm động vật của các nước muốn xuất khẩu sang Việt Nam trước khi cho phép nhập khẩu.
Cục Thú y cũng chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch cửa khẩu làm việc nghiêm túc, xử lý nghiêm cả với những lỗi nhỏ đối với động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu.
Theo đó, năm 2024, Cục Thú y và các đơn vị đã ban hành 400 quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, xử phạt trên 27 tỷ đồng, gấp 8-9 lần so với các năm trước, cao kỉ lục từ trước đến nay.
Cục Thú y cũng phối hợp với các đơn vị liên quan để ngăn chặn buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép động vật, sản phẩm động vật. Theo báo cáo của các cơ quan thú y, năm 2024, các cơ quan quản lý chuyên ngành về thú y đã phối hợp với địa phương xử lý 229 vụ vi phạm với trên 1,2 triệu con động vật; gần 100 ngàn trứng gia cầm; gần 300 tấn sản phẩm động vật.
Tuy nhiên, ông Long cũng nhấn mạnh: “Chúng ta thấy dù có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT, cơ quan công an nhưng tình trạng nhập lậu trái phép sản phẩm động vật, động vật vẫn diễn ra khá phổ biến".
Trước tình hình đó, đại diện Cục Chăn nuôi, Cục Thú y đều nhận định, mặc dù ngành chăn nuôi còn nhiều dư địa, nhưng nguy cơ từ buôn lậu là rất lớn và là một trong ba vấn đề cần quan tâm, xử lý.
Cụ thể, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất quy mô công nghiệp, an toàn sinh học để tăng cường xuất khẩu, ngành chăn nuôi, thú y cần tiếp tục siết chặt quản lý nhập khẩu và phối hợp đồng bộ với các ngành, địa phương để phòng, chống buôn lậu động vật, sản phẩm động vật.
“Chúng tôi kiến nghị những ngày giáp Tết Nguyên đán 2025 cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng này” - ông Đăng nêu ý kiến.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nhiều địa phương có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, kêu gọi “đại bàng vào đẻ trứng vàng” trong lĩnh vực chăn nuôi, nhưng lại để diễn ra phổ biến tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật. Như vậy, môi trường đầu tư của địa phương sẽ rất hạn chế.
Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố cần tập trung quyết liệt, có sự phối hợp với các đơn vị liên ngành trong kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật để bảo vệ sản xuất chăn nuôi trong nước.
“Nhu cầu thực phẩm Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 10-15%, nếu để tình trạng buôn lậu xảy ra thì người chăn nuôi trong nước sẽ không được hưởng lợi, chưa kể nguy cơ dịch bệnh gia tăng” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Trong tháng 1/2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 15 văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố, bộ, ngành về việc tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, protein động vật qua biên giới vào Việt Nam; tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.