Tăng cường các giải pháp phòng chống gian lận trong đấu thầu
Hoạt động đấu thầu có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công. Tuy nhiên, hiện nay trong hoạt động đấu thầu đã xảy ra không ít những vụ việc giả mạo giấy tờ, hồ sơ để tham gia dự thầu...

Mới đây, căn cứ vào các quy định của pháp luật và kết quả giám định của Công an tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Như Thanh đã có văn bản cấm thầu từ 3 đến 5 năm đối với 3 doanh nghiệp có hành vi giả mạo hồ sơ, tài liệu. Trước đó, thông qua việc kiểm tra gói thầu của huyện Như Thanh, cơ quan chức năng đã phát hiện một số hồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp dự thầu đã giả mạo chữ ký của công chứng viên nên đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp đơn vị tư vấn chấm thầu rà soát, kiểm tra và kết luận là giả mạo hồ sơ.
Tương tự, vào đầu năm 2025, UBND huyện Quan Hóa đã ra Quyết định cấm tham gia đấu thầu đối với 3 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quan Hóa trong những năm tiếp theo, do phát hiện có gian lận hồ sơ tham gia dự thầu. Ngoài ra, mỗi công ty còn bị tịch thu tiền bảo lãnh gần 590 triệu đồng. Theo ông Lộc Văn Hào, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng huyện Quan Hóa, để xác định việc giả mạo hồ sơ trong đấu thầu là không hề dễ dàng vì công nghệ hiện nay rất hiện đại, có những hồ sơ dự thầu có đến 5, 6 đơn vị chứng thực tại nhiều văn phòng công chứng khác nhau, tài liệu giả mạo ngày càng khó phát hiện. Chủ đầu tư đã phải nhờ các đơn vị chức năng kiểm tra, giám định. Sau khi phát hiện về gian lận hồ sơ, 3 đơn vị bị tịch thu bảo lãnh, cấm thầu trên địa bàn huyện từ 3 – 5 năm”.
Thực tế trên cho thấy, thực trạng giả mạo hồ sơ dự thầu diễn ra phức tạp, cách thức và số lượng tài liệu giả mạo ngày càng tinh vi, đòi hỏi chủ đầu tư, bên mời thầu thật sự cảnh giác, tinh ý mới phát hiện. Trung tá Lê Đình Thành, Đội trưởng Đội 2 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã ra Quyết định cấm tham gia đấu thầu đối với gần 20 doanh nghiệp do có hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ khi tham gia dự thầu; cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu; hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu...
Theo Luật sư Nguyễn Hữu Giang, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa: “Các đối tượng đã làm giả mạo các giấy tờ hồ sơ khi tham gia dự thầu bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: Chỉnh sửa làm sai lệch thông tin các giấy tờ tài liệu, hồ sơ; Giả mạo chữ ký sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng công trình; ảnh hưởng đến tính khách quan trong hoạt động đấu thầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước. Tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận trong đấu thầu tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, hành vi gian lận trong đấu thầu còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 222 Bộ Luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Mặc dù đã có những hình thức xử lý, xử phạt đối với các hành vi gian lận, làm giả hồ sơ đấu thầu, tuy nhiên, tình trạng giả mạo, gian lận trong hoạt động đấu thầu vẫn diễn biến phức tạp, tài liệu làm giả ngày càng tinh vi, đòi hỏi các chế tài phải đủ mạnh để răn đe, nhằm giảm thiểu, xóa bỏ tình trạng gian lận trong đấu thầu, góp phần làm lành mạnh hơn môi trường đầu tư của tỉnh.