Tăng cường các chính sách bảo vệ quyền lợi cho người lao động
Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ và phản ứng của các nước sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam, nhất là những lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến việc cắt giảm lao động, dịch chuyển lao động...

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương làm việc với Cục Việc làm về kết quả công tác 4 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 8 tháng cuối năm 2025. Ảnh: PV
Nỗ lực phát triển thị trường lao động
Theo báo cáo của Cục Việc làm ( Bộ Nội vụ), 4 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 28,8%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 2,21%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp gần 32,5%...
Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 32,5%, phản ánh rõ nét sự chuyển biến trong nhận thức của người lao động về chính sách an sinh xã hội. Tần suất tai nạn lao động gây tử vong tiếp tục giảm so với cùng kỳ, cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động thời gian qua.
Trong quý I/2025, Cục Việc làm đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa và Xã hội và các Ủy ban thuộc Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Đồng thời, báo cáo Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Cục Việc làm cũng thành lập tổ công tác về triển khai xây dựng sàn giao dịch việc làm quốc gia, chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo tiến độ khai trương trong tháng 9/2025. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục cũng đã tham mưu trình Bộ báo cáo Chính phủ về dự báo tác động chính sách thuế quan của Mỹ đến tình hình lao động việc làm của Việt Nam và đề xuất các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động.
Cùng với đó, đã tham mưu trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng thị trường lao động và đề xuất giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động tạo nền tảng tiền đề cho tăng trưởng kinh tế; và thực trạng tình hình người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhấn mạnh việc xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia. Ảnh: PV
Bên cạnh đó, Cục đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như: Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025; Hội nghị Đối thoại Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động; xây dựng, vận hành các phiên giao dịch việc làm trực tuyến quy mô liên tỉnh, tạo thêm cơ hội kết nối việc làm cho người lao động.
Xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia
Bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường lao động hiện nay đang đứng trước những biến động. Theo đó, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự thì một lượng lớn người làm việc ở khu vực công bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm, thu nhập, tạo sức ép về giải quyết việc làm, hỗ trợ đối tượng này tham gia thị trường lao động trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi phải có sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền để đảm bảo quyền lợi cho lực lượng này.
Thời gian tới, Cục Việc làm tiếp tục triển khai thí điểm các dịch vụ sự nghiệp công về bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, phối hợp với C12 - Bộ Công an xây dựng, kết nối dịch vụ công thực hiện thí điểm 6 thủ tục bảo hiểm thất nghiệp toàn trình trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; phối hợp với VNPT xây dựng quy trình thực hiện thí điểm dịch vụ công bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ và phản ứng của các nước sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam, nhất là những lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến việc cắt giảm lao động, dịch chuyển lao động...
Thông tin tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương với Cục Việc làm về kết quả công tác 4 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 8 tháng cuối năm 2025, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết: Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục là xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia.
Dự kiến, sàn sẽ vận hành thử nghiệm vào tháng 9/2025, góp phần kết nối cung - cầu lao động trên toàn quốc hiệu quả hơn. Đây cũng là nhiệm vụ thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ về phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực việc làm, an toàn, vệ sinh lao động, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại.
Ngoài ra, Cục Việc làm đang hoàn thiện hệ thống quy trình hướng dẫn kiểm tra cho các địa phương theo hướng hệ thống, đồng bộ. Cụ thể, Cục giao Phòng Kiểm tra và Kiểm soát rủi ro xây dựng quy trình mẫu, bộ hướng dẫn kiểm tra trọng tâm đối với các lĩnh vực: dịch vụ việc làm, chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động... Việc xây dựng quy trình bài bản nhằm thống nhất cách thức kiểm tra, giám sát từ trung ương đến cơ sở, đồng thời hạn chế các sai sót trong thực thi chính sách.
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương nhấn mạnh, thời gian tới, Cục Việc làm tiếp tục bám sát tiến độ chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), tổng kết việc thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đầy đủ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành ngay sau khi Luật được ban hành. Các công việc cần phân rõ đầu mối chịu trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, tránh tình trạng chậm trễ, chồng chéo.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế tiếp tục nhiều biến động khó lường, nhất là việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, thương mại từ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Cục Việc làm cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với nguy cơ gia tăng thất nghiệp. Việc chuẩn bị các phương án kịp thời sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực, đảm bảo ổn định thị trường lao động, đời sống an sinh cho người dân.
Cục Việc làm quán triệt tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" trong sắp xếp tổ chức bộ máy. Việc kiện toàn phải bảo đảm duy trì đầy đủ các chức năng quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng "khoảng trống" trong quá trình chuyển giao nhiệm vụ, nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác điều hành chung của Bộ - Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương yêu cầu.