Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sởi

Trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh Lào Cai đã ghi nhận hơn 3.800 ca mắc sởi tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Những biện pháp phòng, chống dịch đang được ngành y tế và các địa phương quyết liệt triển khai, bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, ca sởi hiện tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi 18 tháng đến dưới 5 tuổi. Đặc biệt là có đến 61,1% trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mắc bệnh chưa được tiêm vắc-xin có thành phần sởi và 10,6% là trẻ dưới 9 tháng chưa đến tuổi tiêm. Số liệu này cho thấy tầm quan trọng của vắc-xin trong phòng bệnh. Số lượng trẻ chưa tiêm lớn do nhiều nguyên nhân như: ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19, sau đó, nguồn cung ứng vắc-xin bị gián đoạn gây thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

 Chiến dịch tiêm chủng vắc -xin sởi đợt 3 trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Chiến dịch tiêm chủng vắc -xin sởi đợt 3 trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Chiến dịch tiêm chủng được bắt đầu từ ngày 4/3/2025 tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố với trên 21 nghìn đối tượng cần tiêm. Để chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, các địa phương đã thực hiện đa dạng hình thức tuyên truyền và rà soát đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung, an toàn, hiệu quả.

 Người dân chủ động đưa con đến trạm y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi.

Người dân chủ động đưa con đến trạm y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi.

Tính đến ngày 25/4, ngành y tế đã thực hiện trên 22 nghìn mũi tiêm vắc-xin sởi, đạt 96,79%; 11/11 đơn vị thực hiện đạt tỷ lệ tiêm chủng chung cho các nhóm. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng nhiều nhóm đối tượng chưa đạt chỉ tiêu như: nhóm 6 - 9 tháng tuổi tại Bảo Yên (đạt 85,1%), thị xã Sa Pa (82,7%) và thành phố Lào Cai (84,8%). Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ hoãn tiêm, chống chỉ định tiêm. Hiện nay, chiến dịch tiêm chủng đợt 3 được ngành y tế phát động nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ tiêm chủng, tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng.

Ông Trần Xuân Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Ngành y tế và các địa phương đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch sởi như tăng cường giám sát dịch tễ, đẩy mạnh tiêm chủng chiến dịch sởi, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và sẵn sàng các biện pháp ứng phó nhằm kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch sởi lan rộng trên địa bàn. Ngành y tế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nhằm giảm tỷ lệ mắc, hạn chế lây lan rộng, hạn chế ca bệnh nặng và tử vong. Đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông để Nhân dân nhận biết sớm ca nghi bệnh và phối hợp với ngành y tế chủ động phòng bệnh.

 Phát ban là triệu chứng sởi điển hình.

Phát ban là triệu chứng sởi điển hình.

Cùng với công tác dự phòng, các bệnh viện trên địa bàn cũng đã và đang làm tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sởi. Từ đầu mùa dịch trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca sởi tử vong. Đã có hơn 3.400 ca mắc sởi khỏi bệnh, hiện tại, các đơn vị y tế còn tiếp nhận điều trị hơn 300 bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, Khoa Truyền nhiễm hiện tập trung để điều trị bệnh nhân mắc sởi, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được đẩy mạnh. Khoa thường xuyên thực hiện khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thông khí bệnh phòng, vệ sinh bề mặt và quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Tuân thủ phác đồ điều trị sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là điều trị biến chứng ở trẻ nhỏ và người suy giảm miễn dịch.

 Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương.

Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương.

Khi con sốt cao, chị Cư Chính ở thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố đưa con đến bệnh viện huyện điều trị và được bác sỹ chẩn đoán mắc sởi. Con chị Chính mới 4 tháng tuổi là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất trong khoa nên các bác sỹ, điều dưỡng đặc biệt quan tâm. Cùng phòng bệnh có anh Ly Seo Hoa, thôn Lao Pao Chải, xã Pha Long chăm sóc 2 con nhỏ mắc bệnh. Anh chia sẻ: Ngày thứ 3 vào bệnh viện điều trị, con tôi đã giảm sốt, ăn uống tốt hơn nên tôi cũng đỡ lo lắng.

 Điều trị sởi cho bệnh nhi tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương.

Điều trị sởi cho bệnh nhi tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương.

Huyện Mường Khương đã ghi nhận hơn 400 ca mắc sởi. Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các trạm y tế xã thực hiện phun khử khuẩn tại các hộ gia đình, thôn bản có người mắc bệnh và triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin, đến nay đã tiêm được cho gần 1 nghìn đối tượng.

 Điều dưỡng quan tâm chăm sóc bệnh nhi.

Điều dưỡng quan tâm chăm sóc bệnh nhi.

Hiện nay, các ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh vẫn được phát hiện rải rác ở các địa phương như: Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát. Ngành y tế các địa phương đang tiếp tục thực hiện giám sát phát hiện mới các ca bệnh, nghi bệnh tại bệnh viện, cộng đồng và nhà trường, đặc biệt giám sát các ổ dịch mới nhằm cách ly, điều trị kịp thời. Các nhà trường, điểm dịch đang có ca bệnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như: giám sát, khử khuẩn, cách ly, bảo hộ cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh môi trường...

Cùng với nỗ lực của ngành y tế, bệnh sởi hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu mỗi người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, tuân thủ lịch tiêm chủng. Theo bác sỹ Hoàng Tùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tiêm phòng là biện pháp đầu tiên và cần thiết để phòng bệnh sởi cho trẻ. Trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên dễ mắc sởi và dễ biến chứng nặng. Chính vì vậy, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác như tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bổ sung vitamin, khoáng chất, tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chong-dich-soi-post399621.html
Zalo