Tăng cường các biện pháp phòng chống cháy nổ
Thời tiết đã vào hè, hanh khô thường kéo dài làm gia tăng nguy cơ cháy nổ tại nhiều khu vực. Với tính chất đặc thù, các cơ quan, đơn vị hiện đang quản lý, sử dụng số lượng lớn vật tư dễ cháy như xăng dầu, đạn dược, trang bị khí tài, tài liệu luôn là điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ cao. Nhận thức rõ điều đó, các đơn vị thuộc Quân khu đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa và chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) trong mọi tình huống.
Xăng dầu, vũ khí, vật tư không được phép chủ quan
Xăng dầu, đạn dược, trang bị khí tài, vật tư là những vật tư dễ bắt lửa, có khả năng cháy nổ cao nếu không được bảo quản, sử dụng đúng quy định. Đại tá Vũ Duy Phương, Trưởng phòng Xăng dầu (Cục Hậu cần – Kỹ thuật Quân khu) cho biết: “Xăng dầu là vật tư đặc biệt nguy hiểm, rất dễ cháy nổ, nhất là trong điều kiện nắng nóng, độ ẩm thấp. Vì vậy, chỉ huy các đơn vị cần tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Trước hết, phải kiểm soát chặt quy trình tiếp nhận, bảo quản, cấp phát xăng dầu; tránh để rò rỉ, tràn đổ gây mất an toàn; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, chống sét, thiết bị PCCC và huấn luyện thành thạo kỹ năng xử lý tình huống cho lực lượng tại chỗ, vì phản ứng ban đầu có ý nghĩa quyết định trong dập tắt cháy”.

Đại tá Vũ Duy Phương, Trưởng phòng Xăng dầu (Cục HC – KT) kiểm tra PCCN tại trạm cấp phát xăng dầu Quân khu.
Tại Lữ đoàn Công binh 543 – đơn vị binh chủng, quản lý khá nhiều vật liệu công binh, TBKT dễ gây cháy nổ, yêu cầu về phòng chống cháy nổ được quán triệt từ người chỉ huy đến từng chiến sĩ. Đại tá Nguyễn Doãn Mạnh, Lữ đoàn trưởng khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định: chủ động phòng cháy là trách nhiệm chiến đấu trong thời bình. Từng CB,CS đều được quán triệt quy tắc an toàn từ thao tác kỹ thuật, bảo dưỡng trang bị đến huấn luyện. Chỉ huy đại đội, trung đội chịu trách nhiệm trực tiếp về kiểm tra an toàn cháy nổ trong khu vực mình, phương tiện mình quản lý”.
Kiểm tra, giám sát phòng cháy từ kho tàng đến nhà xe
Ngoài các đơn vị binh chủng, nhiều đơn vị kho quản lý VKTBKT, quản lý vật chất hậu cần cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Tại Kho xăng dầu T10 (Cục Hậu cần – Kỹ thuật), Thiếu tá Hoàng Văn Quang, Chủ nhiệm Kho cho biết: “Chúng tôi xác định phương châm “3 trước – 3 sẵn sàng” (kiểm tra trước, phát hiện trước, xử lý trước và sẵn sàng lực lượng, sẵn sàng phương tiện, sẵn sàng phương án). Cán bộ, nhân viên kỹ thuật tại kho đều đã thuộc lòng quy trình chữa cháy, các phương án đã được luyện tập hàng chục lần để thành thục. Mỗi người làm đúng một thao tác, sự cố nhỏ cũng không thể thành cháy lớn”.
Tại Kho K79 (Cục Hậu cần – Kỹ thuật), Thượng tá Nguyễn Thái Học, Chủ nhiệm Kho chia sẻ: “Kho K79 quản lý số lượng vật tư khí tài, nhận thức rõ sự nguy hiểm của cháy nổ, chúng tôi thường xuyên kiểm tra công tác an toàn như hệ thống chống sét, bình cứu hỏa; hệ thống bể nước, bể cát, thang, câu liêm, bùi nhùi. Hằng tuần, tổ chức kiểm tra đột xuất việc xử lý giả định các tình huống tại từng phân kho. Điều quan trọng nhất là nắm chắc diễn biến từng loại vật tư trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không để tình huống phát sinh vượt tầm kiểm soát”.
Một trong những điểm đặc biệt cần chú ý là các khu nhà xe vận tải, nơi tập trung nhiều phương tiện có sử dụng xăng, dầu, ắc quy. Các đơn vị như trung đoàn vận tải, lữ đoàn binh chủng, tiểu đoàn, đại đội, trung đội vận tải đều triển khai nghiêm công tác bảo đảm an toàn tại nhà xe.
An toàn vận chuyển, không để bị động
Nguy cơ cháy nổ không chỉ dừng lại trong kho tàng hay nhà xe, mà còn có thể phát sinh ngay trên những cung đường hành quân, vận chuyển. Trung úy QNCN Lương Văn Sơn, Lái xe quân sự Đại đội 1, Tiểu đoàn 25, (Sư đoàn 316) chia sẻ: “Lái xe quân sự không đơn thuần là điều khiển phương tiện, mà còn là người trực tiếp chịu trách nhiệm về an toàn trong vận chuyển vật tư, hàng hóa, kể cả hàng nguy hiểm như xăng dầu, vũ khí. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như nổ lốp trong trời nắng gắt, ma sát tăng cao có thể bùng cháy lốp, bén sang bình nhiên liệu. Trước mỗi chuyến đi, tôi kiểm tra kỹ lốp, phanh, hệ thống điện, bình chữa cháy. Trên đường, nếu có mùi lạ hay hiện tượng bất thường, phải dừng xe kiểm tra ngay. Chúng tôi cũng được huấn luyện phương án xử lý cháy xe, từ cách hô hoán, sử dụng bình cứu hỏa, đến di chuyển hàng hóa ra khỏi vùng nguy hiểm. Không được phép hoảng loạn, vì chậm một giây có thể là một phút mất kiểm soát”.
Mỗi quân nhân là một chiến sĩ phòng cháy
Công tác phòng chống cháy nổ tại các đơn vị không còn là nhiệm vụ riêng của ngành Hậu cần – Kỹ thuật mà đó là trách nhiệm của mọi CB,CS, từ người gác kho, chiến sĩ lái xe, nhân viên kỹ thuật, đặc biệt là chỉ huy các phân đội phải thưởng xuyên nhắc nhở bộ đội thuộc phạm vi mình quản lý, đồng thời tổ chức luyện tập thành thạo các phương án. Từng thao tác nhỏ, từng hành động đúng lúc đều góp phần giữ vững an toàn chung cho đơn vị.
Với phương châm “Phòng là chính” và phải phòng từ nhận thức đến hành động. Khi mỗi quân nhân chủ động kiểm tra, cảnh giác, tuân thủ quy trình kỹ thuật thì “giặc lửa” sẽ không có cơ hội bùng phát. Đó cũng chính là giữ vững “trận địa” an toàn, là nền tảng vững chắc cho đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ.