Tài xế xe tải và cha của bé gái bị tai nạn giao thông tại Vĩnh Long phải bồi thường dân sự như thế nào?

Ngoài trách nhiệm hình sự, dư luận hiện quan tâm tới trách nhiệm dân sự, bồi thường trong vụ tai nạn giao thông khiến bé gái tử vong và vụ người cha của bé dùng súng bắn tài xế xe tải tại Vĩnh Long.

 Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Luật sư Nguyễn Văn Quynh cung cấp

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Luật sư Nguyễn Văn Quynh cung cấp

Luật sư Nguyễn Hữu Thục, Đoàn Luật sư TPHCM, Trưởng Văn phòng Luật sư Thục và Cộng sự, cho biết, những thắc mắc của dư luận về trách nhiệm hình sự và dân sự cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với vụ việc tại Vĩnh Long, đồng thời cũng thể hiện sự nâng cao nhận thức pháp luật của người dân.

Luật sư Nguyễn Hữu Thục. Ảnh: NVCC

Luật sư Nguyễn Hữu Thục. Ảnh: NVCC

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thục, đối với vụ việc của tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung gây tai nạn khiến con gái ông Nguyễn Vĩnh Phúc tử vong tại chỗ, khi có căn cứ xác định lỗi về vụ tai nạn của tài xế xe tải gây nên cái chết của con gái ông Phúc thì tài xế xe tải có thể phải đối mặt với việc bị khởi tố về "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo điểm a, Khoản 1, điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: "1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người".

Ngoài trách nhiệm hình sự, tài xế xe tải Nguyễn Văn Bảo Trung phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự cho gia đình ông Nguyễn Vĩnh Phúc theo Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015 quy định như sau: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợpBộ Luật dân sự 2015 luật khác có liên quan quy định khác".

Cụ thể, Căn cứ quy định Điều 591 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

"1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định".

Như vậy, trong trường hợp tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung gây tai nạn chết người như trên thì phải bồi thường cho gia đình ông Nguyễn Vĩnh Phúc những thiệt hại như: chi phí cho việc mai táng; thiệt hại thực tế khác do luật quy định như thuốc men, viện phí... Bên cạnh đó, tài xế Trung phải bồi thường thêm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của con gái ông Phúc là ông Phúc và vợ ông Phúc. Mức bồi thường cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, mức tối đa khoản bồi thường tổn thất tinh thần không vượt quá 50 lần mức lương cơ sở theo quy định Nhà nước căn cứ theo khoản 2 Điều 590 Bộ Luật dân sự 2015.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Luật sư Nguyễn Văn Quynh cung cấp

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Luật sư Nguyễn Văn Quynh cung cấp

Đối với hành vi ông Nguyễn Vĩnh Phúc dùng súng bắn tài xế xe tải Nguyễn Văn Bảo Trung gây thương tích nặng, có đủ căn cứ xác định đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được thực hiện với lỗi cố ý, nhằm tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội "Giết người" quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Vì vậy, nếu ông Phúc còn sống, ông đã bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Tuy nhiên, do ông Phúc đã chết ngay sau khi thực hiện hành vi, nên sau khi ra Quyết định khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra sẽ căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 để ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Việc đình chỉ này được căn cứ theo khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, theo đó quy định sẽ không được khởi tố vụ án hoặc phải đình chỉ điều tra nếu "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết".

Ngoài ra, hành vi của ông Phúc còn phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tài xế Trung và gia đình họ. Do ông Phúc đã chết cho nên việc bồi thường trách nhiệm thiệt hại của ông Phúc sẽ chuyển giao nghĩa vụ này cho gia đình, những người thừa kế của ông Phúc trong trường hợp ông Phúc có tài sản để lại. Căn cứ theo điều 615 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:

"1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân".

Từ quy định trên nghĩa vụ tài sản - bao gồm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại sẽ không chấm dứt, mà được thực hiện trong phạm vi di sản mà người chết để lại. Từ đó có thể thấy rõ mặc dù ông Phúc - người gây thiệt hại đã chết - nhưng nếu ông có tài sản để lại thì tài sản đó được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị hại. Khi đó, những người thuộc hàng thứ nhất được hưởng thừa kế của ông Phúc gồm vợ, con ruột, con nuôi, cha mẹ ruột nếu còn sống sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, gia đình nạn nhân. Thậm chí trong trường hợp nạn nhân khởi kiện thì người nhà của ông Phúc phải tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đên trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Còn đối với trường hợp người gây thiệt hại là ông Phúc đã chết không còn tài sản hoặc không để lại tài sản thì không ai có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại, trừ khi có người tự nguyện bồi thường thay cho người đã chết.

"Vụ việc tại Vĩnh Long nêu trên là điển hình cho mối quan hệ đan xen giữa trách nhiệm hình sự và dân sự. Dù người phạm tội và người gây thiệt hại là ông Phúc đã chết nhưng trách nhiệm bồi thường vẫn tồn tại và được giải quyết thông qua thừa kế nghĩa vụ nếu người chết để lại tài sản. Đồng thời, tài xế Trung - người gây ra tai nạn - ban đầu có lỗi thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc xử lý thấu đáo cả hai chiều trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự là cần thiết để đảm bảo công bằng và đúng pháp luật trong vụ việc hiện đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội", luật sư Nguyễn Hữu Thục đưa ý kiến.

* Như Báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa tin, vụ việc bé gái 14 tuổi N.N.B.T bị tai nạn giao thông tại Vĩnh Long đúng vào ngày đầu tiên tới trường, 4/9/2024, hiện đang được quan tâm trở lại bởi một bi kịch khác, vừa xảy ra ngày 28/4/2025.

Trước đó, ngày 4/9/2024, tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm bé gái N.N.B.T, sinh năm 2010, tử vong. Theo Bản Kết luận nguyên nhân và lỗi trong vụ tại nạn giao thông của Đội CSGT Công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, xác định tài xế xe tải biển kiểm soát 84C-102.77, ông Nguyễn Văn Bảo Trung, đã "vượt xe không đảm bảo an toàn" quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008.

Ngày 26/12/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đã ra Quyết định Không khởi tố vụ án hình sự với lý do: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.

Ngày 17/1/2025, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đã ký Quyết định Hủy bỏ Quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn.

Ngày 23/1/2025, Thượng tá Nguyễn Hoàng Văn, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn, đã ký văn bản Thông báo Về việc cơ quan này đã Không khởi tố vụ án hình sự với lý do: Không có sự việc phạm tội.

Ngày 10/2/2025, Viện trưởng Viện KSND huyện Trà Ôn ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ-VKS và ngày 14/3/2025 Viện trưởng Viện KSND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 55/QĐ-VKS bác khiếu nại của ông Nguyễn Vĩnh Phúc (cha ruột của nạn nhân N.N.B.T).

Ngày 28/4/2025, cha ruột của bé gái N.N.B.T là Nguyễn Vĩnh Phúc, 43 tuổi, đã tới nhà tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung, dùng súng tự chế bắn vào Trung, sau đó ông Phúc đã tự sát. Sáng 29/4/2025, ông Phúc đã mất tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), còn tài xế Trung đang được điều trị trong bệnh viện.

Ngày 1/5/2025, Bộ Công an đề nghị Viện KSND tối cao hủy bỏ, chỉ đạo hủy bỏ Quyết định Không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cùng các quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến vụ việc này.

Ngày 2/5/2025, việc hủy bỏ các Quyết định hoàn tất, vụ việc được giao cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long thụ lý, điều tra, xử lý.

Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Đinh Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tai-xe-xe-tai-va-cha-cua-be-gai-bi-tai-nan-giao-thong-tai-vinh-long-phai-boi-thuong-dan-su-nhu-the-nao-20250506101803271.htm
Zalo