Tăng cường bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh có Công văn số 327/UBND-VX, ngày 12/2/2025 về việc tăng cường công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
![Những cô gái dân tộc Lô Lô (Bảo Lâm) duyên dáng trong trang phục dân tộc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_619_51472964/c5eb77d5469bafc5f68a.jpg)
Những cô gái dân tộc Lô Lô (Bảo Lâm) duyên dáng trong trang phục dân tộc.
Thực hiện Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL ngày 18/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2020 - 2030. Qua đó, công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm triển khai thực hiện, mang lại nhiều kết quả tích cực. Một số chương trình, dự án, kế hoạch về bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống được triển khai kịp thời; tạo môi trường, không gian văn hóa để trang phục truyền thống được gìn giữ và phát huy; đã xuất hiện một số làng nghề truyền thống giới thiệu, quảng bá trang phục dân tộc gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do tác động mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cùng ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, tại một số sự kiện văn hóa, du lịch tại địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xuất hiện tình trạng người dân, khách du lịch sử dụng các bộ trang phục không phù hợp với văn hóa truyền thống; tại một số điểm, khu du lịch có các dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc nhưng họa tiết, hoa văn, đường nét, không đúng với trang phục nguyên gốc; một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng loại trang phục truyền thống là sản phẩm được may sẵn bán trên thị trường, đã cải biến không còn là trang phục của các dân tộc Cao Bằng. Những hiện trạng nêu trên ảnh hưởng không nhỏ đến việc việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng.
Để tăng cường công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về ý nghĩa, vai trò của công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó xác định trang phục truyền thống có vai trò tạo nên sự phong phú, đa dạng và đặc sắc cho các tộc người Việt Nam, không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật và lịch sử. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để hiểu, trân trọng và tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung, trang phục truyền thống nói riêng. Tăng cường tuyên truyền quảng bá, đưa thông tin về giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng đến với thế hệ trẻ, bạn bè trong nước và quốc tế.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết về trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số Việt Nam thông qua tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ, chương trình biểu diễn, trình diễn nghệ thuật; các lớp truyền dạy kỹ thuật, kỹ năng liên quan đến trang phục truyền thống. Ban hành văn bản, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, người dân nhận diện trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động biểu diễn.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền, giáo dục cán bộ, giáo viên, học sinh về ý nghĩa, vai trò của công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam lồng ghép trong học chính khóa, hoạt động ngoại khóa; nhận diện trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng các phương tiện truyền thông hiện đại; nhận diện trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng.
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức sưu tầm, sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật giới thiệu, quảng bá về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Có giải pháp nâng cao việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại địa phương.