Tăng chất lượng, nâng vị thế

Thời gian qua, tại Hà Nội, hàng loạt tuần hàng Việt Nam đã được tổ chức, qua đó quảng bá, đưa các sản phẩm chất lượng được các doanh nghiệp trong nước sản xuất đến với người tiêu dùng.

Ngược lại, người tiêu dùng có cơ hội mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý nhờ các chương trình khuyến mại, giảm giá. Hơn cả, đây là một trong những giải pháp nhằm gia tăng chất lượng, nâng cao vị thế của hàng Việt tại thị trường trong nước.

Thực tế, hàng hóa Việt Nam đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ hơn 90% trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp trong nước và từ 60% đến hơn 90% tại hệ thống phân phối của doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi trên kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm từ 60% trở lên. Cũng qua khảo sát, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn hàng Việt Nam có thương hiệu, chất lượng và có lợi cho sức khỏe chiếm 76%. Các doanh nghiệp phân phối, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài, đánh giá chất lượng hàng Việt Nam được cải tiến rất nhiều, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý. Nhà sản xuất chú trọng phát triển thương hiệu và quảng bá thương hiệu, giúp người tiêu dùng biết và tin tưởng sử dụng sản phẩm hơn.

Tuy nhiên, ở mặt khác, sức hấp dẫn của thị trường với gần 100 triệu dân cũng đưa Việt Nam thành “điểm đến” của hàng hóa nước ngoài. Đặc biệt, với nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, hàng nước ngoài cũng được hưởng ưu đãi thuế. Cùng năng lực quản trị, vốn, công nghệ, giá trị thương hiệu, khả năng cạnh tranh của hàng ngoại thường vượt trội so với hàng nội địa. Đây chính là bài toán mà doanh nghiệp sản xuất trong nước phải tính đến nếu không muốn mất thị phần ngay trên “sân nhà”.

Để giữ vững và nâng cao vị thế hàng Việt, trước hết, các cấp, ngành cần tiếp tục đổi mới cách thức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chú trọng hoạt động xúc tiến, quảng bá hàng Việt và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về vốn, tiếp cận công nghệ, phương thức quản trị tiên tiến. Không chỉ đưa hàng Việt đến vùng sâu, vùng xa mà còn đưa hàng Việt vào kênh phân phối của nước ngoài; có chính sách bảo vệ sản xuất trong nước đi cùng với kiểm soát chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng.

Tiếp đó, cần chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển phương thức thương mại điện tử. Phương thức tiêu dùng thay đổi buộc hệ thống bán lẻ cũng phải thay đổi, mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Trong chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối là mắt xích rất quan trọng. Thực tế, trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các đơn vị phân phối, bán lẻ đã tham gia rất tích cực và phát huy hiệu quả rõ nét.

Về phía các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ; chủ động hợp tác, liên kết, tạo chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp trong nước có lợi thế là am hiểu văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, cơ sở sản xuất tại chỗ, chi phí thấp hơn cùng với hệ thống phân phối rộng khắp. Bởi vậy, doanh nghiệp cần phải biết tận dụng lợi thế để cạnh tranh và phát triển.

Vấn đề quan trọng nữa là các cấp, ngành, doanh nghiệp cần chung tay xây dựng các thương hiệu hàng Việt Nam đủ mạnh, không chỉ đứng vững trên thị trường nội địa mà còn vươn tầm khu vực, thế giới; xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn tôn trọng và bảo vệ khách hàng. Đó là cách giữ chân khách hàng hiệu quả nhất.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-chat-luong-nang-vi-the-675094.html
Zalo