Tân Yên: Tạo sinh kế bền vững cho người lao động

Nhằm giúp người dân có thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, thời gian qua, UBND các xã, thị trấn, đơn vị liên quan của huyện Tân Yên đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều giải pháp về đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Phát huy hiệu quả của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ (kết thúc năm 2020) và phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí dành cho đào tạo nghề từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bình quân mỗi năm, huyện Tân Yên phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 3 nghìn lao động địa phương. Để đạt được mục tiêu đề ra, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo phòng chức năng, các xã, thị trấn rà soát số người trong độ tuổi lao động, khảo sát nhu cầu việc làm. Đồng thời huy động các đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân vào cuộc để tổ chức các lớp dạy nghề, giúp người dân tìm được việc làm phù hợp.

 Lãnh đạo UBND xã Ngọc Thiện nắm bắt tình hình lao động của xã học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 2/9.

Lãnh đạo UBND xã Ngọc Thiện nắm bắt tình hình lao động của xã học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 2/9.

Trước đây, hoàn cảnh gia đình chị Đinh Thị Phương (sinh năm 1980) ở thôn Bằng Cục, xã Ngọc Châu còn khó khăn. Chị sức khỏe yếu, thường xuyên phải đi viện, bố mẹ chồng đều đã ngoài 80 tuổi, các con đang tuổi đến trường, 3 sào ruộng cấy chỉ đủ gạo ăn. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tạo điều kiện giúp chị Phương học nghề may miễn phí. Chị cho biết: “Các chị em trong xã còn hỗ trợ tôi chi phí đi lại, giới thiệu mối hàng để tôi làm tại nhà sau khi học xong. Ngoài đơn hàng trong tỉnh, tôi nhận gia công cho các xưởng may ở Hà Nội, Bắc Ninh. Làm việc tại nhà nên tôi tranh thủ thời gian chăm sóc gia đình, thu nhập hiện tại từ 8-10 triệu đồng/tháng”. Năm 2024, gia đình chị Phương đã ra khỏi diện cận nghèo, cuộc sống ngày một ổn định hơn.

Lựa chọn nghề phù hợp với khả năng, sở trường của đoàn viên để đào tạo là cách làm đem lại hiệu quả của Đoàn Thanh niên xã Quang Trung. Mỗi năm, Đoàn xã giới thiệu từ 10-12 thanh niên tham gia các lớp học nghề. Hầu hết những trường hợp này sau khi học xong đều được Đoàn xã giới thiệu công việc hoặc có khả năng tự tạo việc làm tại địa phương. Điển hình như anh Lê Ngọc Tâm (sinh năm 1998) ở thôn Tân Lập, xã Quang Trung. Năm 2023, anh Tâm được Đoàn xã giới thiệu tới một xưởng sản xuất tượng tô màu ở huyện Lạng Giang học nghề. Sau 3 tháng học tập, anh Tâm được chủ cơ sở giữ lại làm việc và tiếp tục nâng cao tay nghề. Tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ đó, đầu năm 2024, anh mạnh dạn mở xưởng riêng tại nhà. Hiện anh có thu nhập ổn định và tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động của xã với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng.

Năm 2024, thực hiện chính sách về hỗ trợ việc làm theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phòng chức năng huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức 6 lớp dạy nghề miễn phí cho hơn 200 lao động, chủ yếu là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Một số nghề được đào tạo là: May công nghiệp, sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng, trồng trọt, chăn nuôi... Qua đó nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tại địa phương lên hơn 80%. Huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 3,2 nghìn lao động, vượt kế hoạch đề ra.

Đào tạo theo nhu cầu, thế mạnh

Huyện Tân Yên có khoảng 800 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký hoạt động, tạo việc làm cho hơn 14 nghìn người với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trên địa bàn huyện hằng năm có khoảng 3 nghìn người đến tuổi lao động và khoảng 2 nghìn học sinh trung học phổ thông, sinh viên các trường chuyên nghiệp có nhu cầu tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Để giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thời gian qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thường xuyên liên hệ với ban quản lý các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để thông tin tới người lao động qua các phương tiện truyền thông. Đồng thời chủ động đề xuất, phối hợp với các trung tâm, cơ sở có chức năng dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Hằng năm, trên địa bàn huyện Tân Yên có khoảng 3 nghìn người đến tuổi lao động và khoảng 2 nghìn học sinh trung học phổ thông, sinh viên các trường chuyên nghiệp có nhu cầu tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Năm 2024, huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 3,2 nghìn lao động, vượt kế hoạch đề ra.

Tại xã Ngọc Thiện hiện có khoảng 8,8 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong số này có 82% đã qua đào tạo. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã, có nhiều doanh nghiệp may mặc trên địa bàn là điều kiện thuận lợi giúp giải quyết việc làm cho người dân. UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 2/9 tổ chức đào tạo khoảng 100 lao động/năm tùy theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, lao động sau khi đào tạo đều có việc làm ngay. Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Thiện còn giao cho các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giới thiệu hội viên, đoàn viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế hoặc đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm ở xã Ngọc Thiện giảm dưới mức bình quân của huyện.

Là địa bàn có thế mạnh về phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây ăn quả, chăn nuôi thủy sản nên xã Phúc Hòa chú trọng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp như dạy trồng nấm, nuôi cá nước ngọt và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Các lớp học đã thu hút hàng nghìn lượt người tham gia, góp phần nâng cao kiến thức, hiệu quả sản xuất. Hay như xã Ngọc Châu có làng nghề làm mỳ gạo truyền thống ở thôn Châu Sơn, xã đã tổ chức các lớp dạy nghề và vận động các hộ tham gia hợp tác xã. Đến nay, thôn Châu Sơn có hơn 70 hộ làm mỳ gạo, tạo việc làm cho khoảng 200 lao động với thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2025, huyện Tân Yên phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%. Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm. Huyện phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp để tổ chức các phiên giao dịch, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Chỉ đạo phòng chức năng, các xã, thị trấn khảo sát nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có hướng đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. UBND huyện cũng quan tâm kết nối, tạo điều kiện để những doanh nghiệp có đủ năng lực về địa bàn tư vấn xuất khẩu lao động giúp người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tan-yen-tao-sinh-ke-ben-vung-cho-nguoi-lao-dong-postid413294.bbg
Zalo