Tân Giáo hoàng Leo XIV rất quan tâm đối với các vấn đề công lý xã hội
Tối ngày 8/5 (giờ Việt Nam), Tòa thánh Vatican đã công bố hồng y người Mỹ Robert Prevost trở thành vị Giáo hoàng mới thứ 267 trong lịch sử của Giáo hội Công giáo La Mã với tên gọi Giáo hoàng Leo XIV.
Hồng y Robert Prevost, 69 tuổi, là người Mỹ đã dành phần lớn sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà truyền giáo ở Peru và là một người tương đối kín tiếng trên trường quốc tế.
Được Giáo hoàng Francis phong làm hồng y vào năm 2023, ông đã trả lời rất ít cuộc phỏng vấn với giới truyền thông và hiếm khi phát biểu trước công chúng.
Xuất thân từ Chicago, ông đã thu hút sự chú ý của các hồng y vì phong cách điềm tĩnh và sự ủng hộ của ông đối với nhiệm kỳ Giáo hoàng kéo dài 12 năm của Francis, đặc biệt là cam kết của ông đối với các vấn đề công lý xã hội.
Prevost đã phục vụ với tư cách là giám mục tại Chiclayo, ở phía tây bắc Peru từ năm 2015 đến năm 2023.

Hồng y Robert Prevost là một người khá kín tiếng trước truyền thông
Cố Giáo hoàng Francis đã đưa ông đến Rome vào năm đó để đứng đầu văn phòng Vatican phụ trách việc lựa chọn những linh mục nào sẽ phục vụ với tư cách là giám mục Công giáo trên toàn cầu, đồng nghĩa với việc ông đã tham gia vào việc lựa chọn nhiều giám mục trên thế giới.
Hồng y Prevost đã nói trong một cuộc họp báo của Vatican năm 2023: "Công việc của chúng tôi là mở rộng lều và cho mọi người biết rằng họ được chào đón bên trong Giáo hội".
Hồng y Prevost đã được bổ nhiệm khi hồng y Mamberti thốt lên câu 'Habemus papam!' tiếng Latin có nghĩa là 'Chúng ta có một giáo hoàng!' từ Vương cung thánh đường thánh Peter, là kết quả của mật nghị hồng y kéo dài 2 ngày. Ông từ nay sẽ được gọi là Giáo hoàng Leo XIV, trở thành nhà lãnh đạo tôn giáo của 1,4 tỷ tín đồ Công giáo La Mã trên toàn cầu

Tân Giáo hoàng Leo XIV vẫy chào đám đông - Ảnh: Reuters
Những hồng y lớn tuổi không tham gia mật nghị đã có mặt ra quảng trường và xếp hàng khi các ban nhạc quân đội chơi bản quốc ca Ý và quốc ca Vatican. Trong đám đông có các hồng y người Mỹ Sean O'Malley và Donald Wuerl, cả hai đều đã ngoài 80 tuổi và không tham gia cuộc bỏ phiếu. Một ban nhạc kèn đồng diễu hành trong bộ đồng phục màu xanh dẫn đầu một đội vệ binh Thụy Sĩ đi qua đám đông đến một địa điểm trung tâm bên dưới ban công, tạo ra một tiếng hò reo lớn từ đám đông.
Đội vệ binh Thụy Sĩ của Giáo hoàng là lực lượng an ninh chính thức của Vatican và giữ chức năng nghi lễ và bảo vệ.
Đến từ 70 quốc gia khác nhau, nhóm 133 hồng y đã tụ họp tại Vatican để thực hiện nghi lễ có từ nhiều thế kỷ trước để bầu ra giáo hoàng thứ 267 sau khi Giáo hoàng Francis qua đời vào tháng trước.
Mật nghị dài nhất trong lịch sử là gần ba năm, khi Giáo hoàng Gregory X được bầu. Mật nghị ngắn nhất chỉ kéo dài 10 giờ và kết thúc bằng việc bầu lên Giáo hoàng Julius II vào năm 1503.

Khoảnh khắc khói trắng bốc lên tại nhà nguyện Sistine cho biết mật nghị Hồng y đã bầu được Giáo hoàng mới - Ảnh: Alamy Live News
Trong lịch sử gần đây, nhà lãnh đạo tiếp theo của Giáo hội Công giáo La Mã thường được bầu trong vòng hai hoặc ba ngày. Nhưng kết quả lần này đã đạt được trong vòng 24 giờ, cho thấy nhiều hồng y đoàn kết xung quanh một ứng cử viên sáng giá.
Hai hoặc ba vòng bỏ phiếu đầu tiên thường được coi là một 'cuộc đua' giành vị trí, và thường phải đến những vòng sau, người chiến thắng mới xuất hiện. Trong số 252 hồng y còn sống, 138 người dưới 80 tuổi và do đó đủ điều kiện bỏ phiếu trong mật nghị. 16 người ở Bắc Mỹ, 54 người ở Châu Âu, 24 người ở Châu Á, 4 người ở Trung Mỹ, 18 người ở Nam Mỹ và 4 người ở Châu Đại Dương.
Để trở thành Giáo hoàng tiếp theo, một hồng y cần phải giành được thế đa số hai phần ba, hoặc 89 lá phiếu.

Đám đông reo hò khi mật nghị hồng y bầu được tân Giáo hoàng - Ảnh: Reuters