Đối đầu với Nhà Trắng, mọi kịch bản với Đại học Harvard đều bất lợi?
'Harvard đang ở một vị thế rất tệ', ông Bagenstos, cựu quan chức chính quyền Biden, nhận xét. Một số quan chức còn lo ngại cuộc điều tra dân sự đang nhằm vào Harvard có thể chuyển thành các cuộc điều tra hình sự trong những tháng tới.

Tuần hành kêu gọi lãnh đạo trường đại học Harvard phản đối sự can thiệp của chính phủ liên bang đối với lĩnh vực giáo dục đại học tại Cambridge, Massachusetts (Mỹ) ngày 12/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ New York Times, Đại học Harvard có thể chọn tiếp tục chiến đấu hoặc tìm kiếm một thỏa thuận với chính quyền. Nhưng các lãnh đạo trường đang dần nhận ra rằng, dù chọn con đường nào, bản sắc của ngôi trường này cũng rất có thể sẽ thay đổi.
Đại học Harvard đã trở thành lá cờ đầu trong cuộc kháng cự của giới học thuật trước chính quyền Tổng thống Trump, và nhận được không ít lời tán dương từ những người chỉ trích Nhà Trắng khi trường từ chối một loạt yêu sách can thiệp và còn đưa chính phủ ra tòa hồi tháng trước.
Giới chuyên gia pháp lý nhận định Harvard có một hồ sơ kiện tụng rất vững chắc, được xây dựng bởi đội ngũ luật sư bảo thủ hàng đầu, nhằm đòi lại hàng tỷ đô la tài trợ nghiên cứu mà chính phủ đã cắt bỏ. Những người ủng hộ ca ngợi giọng điệu công khai hiếm thấy và cứng rắn của Harvard.
“Xin chúc mừng Harvard vì đã từ chối từ bỏ quyền hiến định của mình trước chủ nghĩa độc đoán của ông Trump”, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders viết trên mạng xã hội vào tháng trước.
Tuy nhiên, phía sau hậu trường, theo lời ba người có tham gia vào các cuộc thảo luận nội bộ, một số quan chức cấp cao tại Harvard và trong hội đồng quản trị của trường tin rằng Harvard đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng có thể kéo dài cho đến khi ông Trump rời nhiệm sở. Những người này cho biết, ngay cả khi Harvard thắng kiện, nhà trường vẫn sẽ phải đối diện với những khó khăn khổng lồ, buộc trường đại học lâu đời và giàu có nhất nước Mỹ phải suy nghĩ lại về bản sắc và quy mô của mình.
Dù kết cục ra sao, Harvard gần như chắc chắn sẽ phải cắt giảm đáng kể nguồn lực nghiên cứu và nhân sự, qua đó suy giảm vị thế hàng đầu trong nhiều năm tới. Nếu không có bộ máy nghiên cứu đồ sộ, trường này có nguy cơ trở thành một trường nghệ thuật tự do quy mô nhỏ, tập trung vào giảng dạy hơn là nghiên cứu.
Lãnh đạo nhà trường cho rằng chỉ còn hai con đường rõ ràng: hoặc hợp tác với ông Trump, hoặc nhanh chóng huy động một khoản tiền khổng lồ từ các nhà tài trợ tư nhân - theo ba nguồn tin nói trên.
Đây là tình thế mà Harvard chưa từng đối mặt trong lịch sử hiện đại. Qua nhiều thế kỷ, Harvard luôn trân quý sự độc lập, niềm kiêu hãnh và truyền thống học thuật xuất sắc của mình.
Hôm 5/5, chính quyền Tổng thống Trump đã leo thang căng thẳng và đe dọa cắt hoàn toàn dòng tiền tài trợ cho Harvard.
“Họ có thể khiến đời bạn khốn đốn, ngay cả khi họ vi phạm pháp luật và cuối cùng tòa tuyên bố họ sai”, Samuel R. Bagenstos, cố vấn pháp lý cấp cao của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh dưới thời cựu Tổng thống Biden, bình luận.
Harvard từ chối bình luận ngày 8/5. Tuy nhiên, trưởng khoa Nghệ thuật và Khoa học – đơn vị lớn nhất của Harvard – đã thừa nhận quy mô của cuộc khủng hoảng trong một cuộc họp với giảng viên tuần này.
“Những hành động từ chính quyền liên bang đã khởi động một chuỗi thay đổi sẽ không thể đảo ngược, ít nhất là trong tương lai gần”, Trưởng khoa Hopi E. Hoekstra phát biểu.
“Dù Harvard đang kiện lệnh đóng băng tài trợ ra tòa, chúng ta không thể cho rằng vụ kiện sẽ được giải quyết nhanh chóng – hoặc kể cả khi thắng kiện, rằng toàn bộ số tiền sẽ được hoàn trả”, bà Hoekstra thừa nhận.
Tổng thống Trump và chính quyền của ông có quyền lực rất lớn đối với Harvard. Hôm 5/5, Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon cho biết chính phủ liên bang sẽ ngừng cấp tài trợ và ký hợp đồng với Harvard, hoặc ít nhất là tìm cách làm vậy. Trong năm tài khóa 2024, Harvard nhận khoảng 687 triệu USD tài trợ nghiên cứu từ liên bang – nguồn thu lớn nhất của trường, dùng cho hàng loạt đề án từ nghiên cứu lao phổi đến công nghệ không gian.
Gần đây Harvard đã phát hành 750 triệu USD trái phiếu và có quỹ tài trợ trị giá hơn 53 tỷ USD. Nhưng phần lớn quỹ này bị ràng buộc mục đích sử dụng nên không thể chi tùy ý.
Harvard đã áp dụng lệnh đóng băng tuyển dụng và bắt đầu sa thải nhân viên. Trường cũng đã thành lập một nhóm nội bộ, nay gọi là Ủy ban Duy trì Nghiên cứu, để nghiên cứu cách tiếp tục công việc với nguồn tài trợ nhỏ hơn, không đến từ chính phủ liên bang.
Hiện tại, Harvard Corporation – hội đồng quản trị cao nhất của trường – đã quyết định tiếp tục cuộc chiến pháp lý. Theo hai trong ba người tham gia thảo luận, các thành viên hội đồng rất nhạy cảm với phản ứng giận dữ từng xảy ra khi Đại học Columbia và các hãng luật lớn như Paul, Weiss chọn bắt tay với ông Trump.
Tuy nhiên, một số quan chức cho rằng Harvard có thể ít bị chỉ trích hơn nếu đạt được một thỏa thuận, vì lãnh đạo trường có thể trình bày đó là kết quả của cuộc đấu tranh pháp lý mạnh mẽ. Vụ kiện này được khởi phát để phản đối một danh sách yêu sách mà chính phủ gửi tới Harvard hồi tháng 4, yêu cầu trường chấp nhận kiểm toán mới, điều chỉnh chính sách tuyển sinh và nhân sự, giảm ảnh hưởng của giảng viên và bảo đảm “đa dạng quan điểm”.
Tuy nhiên, Harvard Corporation đã chỉ thị đội ngũ pháp lý không đàm phán với chính quyền Trump, theo hai nguồn tin.
Một yếu tố khác khiến mọi chuyện phức tạp là liệu Nhà Trắng có tôn trọng thỏa thuận hay không.
Ông Lawrence H. Summers, cựu Hiệu trưởng Harvard, cho biết còn quá sớm để đánh giá bất kỳ thỏa thuận nào trước khi biết rõ điều khoản. Nhưng ông nói thêm: “Sẽ là bi kịch nếu Harvard giải quyết vụ việc theo cách giúp củng cố ý tưởng rằng hành vi tống tiền ngoài vòng pháp luật là chấp nhận được”.
“Harvard có vị thế gần như độc nhất để chống lại hành vi tống tiền bất hợp pháp – vượt trội hơn bất kỳ hãng luật, công ty hay tổ chức nào khác – nhờ nguồn lực, danh tiếng và mạng lưới ảnh hưởng rộng khắp”, ông Summers nói.

Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump đã thúc giục Harvard đàm phán. Harrison Fields, người phát ngôn Nhà Trắng, tháng trước nói rằng phản ứng quyết liệt của Harvard là “màn phô trương hình thức”. Ông nói: “Họ hiểu hơn ai hết rằng nếu không hợp tác, chính họ sẽ chịu thiệt.”
Tuần này, chính quyền Trump một lần nữa nhấn mạnh ý định gây thiệt hại tối đa, khi Bộ trưởng Giáo dục McMahon gửi thư cho Harvard thông báo rằng trường sẽ không được nhận thêm bất kỳ khoản tài trợ nào từ liên bang. Chính phủ có thể liệt Harvard vào “danh sách đen” bằng thủ tục gọi là “debarment” – cấm ký kết hợp đồng liên bang.
Thủ tục “debarment” sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều và có thể bị khiếu nại. Nhưng theo giới học giả, dù Harvard thắng kiện, chính quyền Trump vẫn có thể thao túng quá trình cấp tài trợ để gây bất lợi cho trường.
Tiến sĩ Daniel W. Jones, cựu Hiệu trưởng Đại học Mississippi và nguyên viện trưởng trường Y khoa của đại học này, cho biết các cơ quan liên bang có ảnh hưởng lớn đến quyết định tài trợ, ngay cả khi có đánh giá chuyên môn độc lập.
“Họ có thể viện lý do”, ông Jones nói, “Mọi thứ đang bị đảo lộn hoàn toàn”.
Các vụ kiện tụng có thể kéo dài hàng tháng hoặc nhiều năm. Harvard đang yêu cầu được xét xử nhanh vụ kiện hiện tại, nhưng phiên điều trần tiếp theo sẽ phải chờ đến tháng 7. Các kháng cáo có thể kéo dài thêm, khiến Harvard tốn tiền và thời gian.
Ông Jones cũng nhấn mạnh rằng các nhà khoa học không thể “dừng nghiên cứu rồi lại khởi động lại”. Ngay cả khi Harvard thắng kiện, những gián đoạn về tài trợ có thể đã làm hỏng các dự án nghiên cứu được lên kế hoạch cẩn trọng.
“Harvard đang ở một vị thế rất tệ”, ông Bagenstos, cựu quan chức chính quyền Biden, nhận xét. Ông nói thêm, “cả giới giáo dục đại học cũng đang ở một vị thế rất tệ.”
Ngoài việc bị cắt tài trợ nghiên cứu, không có gì ngăn cản chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục áp đặt thêm những cuộc điều tra phức tạp và tốn kém, giống như các cuộc điều tra hiện tại từ ít nhất 5 cơ quan, bao gồm Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa.
Một số quan chức lo ngại những cuộc điều tra này – hiện vẫn chỉ là dân sự – có thể chuyển thành các cuộc điều tra hình sự đầy đủ trong những tháng tới.