Tận dụng triệt để lợi thế từ CPTPP để thúc đẩy thương mại Việt - Anh
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và tận dụng triệt để lợi thế từ CPTPP, chiều ngày 19/2, tại Hà Nội, Đại sứ quán Anh phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội thảo 'Vương quốc Anh gia nhập CPTPP - Ý nghĩa đối với doanh nghiệp'.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đi vào thực thi giữa Vương quốc Anh và Việt Nam từ ngày 15/12/2024, mở ra chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai nước, được xây dựng trên nền tảng vững chắc của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA).

Hoa quả Việt Nam trên kệ một cửa hàng tại Anh. Ảnh minh họa
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew cho biết, hợp tác thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt - Anh. Kể từ năm 2015 đến nay, thương mại song phương giữa hai bên đã tăng trưởng rất mạnh mẽ. Thông qua Hiệp định CPTPP, Vương quốc Anh mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu của mình đến các nước thành viên hiệp định.
“Gia nhập CPTPP đánh dấu mốc lịch sử của Vương quốc Anh, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Việt Nam. Đây là quyết định chiến lược của Anh quốc, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong công tác hội nhập, mở cửa thị trường. Với CPTPP, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh sẽ được miễn giảm thuế quan, điều này góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước” - ông Iain Frew nói.
Thông tin về hợp tác thương mại giữa hai nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, năm 2024 giá trị trao đổi thương mại Việt - Anh đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu.
Mặc dù vậy, theo ông Tân, dư địa hợp tác giữa hai bên còn rất lớn khi hiện nay, tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường Anh chỉ chiếm khoảng 6,8% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ra thế giới. Còn Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng kim ngạch hàng nhập khẩu của Anh với đối tác.
Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cùng với UKVFTA, CPTPP đã và đang mang đến những động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quan hệ song phương Việt - Anh. Có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp của hai quốc gia đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của nhau.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và tận dụng triệt để lợi thế từ CPTPP, hội thảo tập trung vào việc chia sẻ và cập nhật các công cụ xác định thuế quan trong CPTPP, hướng dẫn về Quy tắc xuất xứ và các lưu ý cho các ngành: thực phẩm, nông nghiệp, dược phẩm, dệt may, năng lượng, cơ sở hạ tầng…
Trong khuôn khổ hội thảo, Bộ Công thương và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nhằm thiết lập một khuôn khổ hợp tác và phối hợp, tạo thuận lợi cho công tác thực thi hiệu quả chính sách và pháp luật về phòng chống hàng hóa giả mạo và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở mỗi quốc gia./.
Trong khuôn khổ CPTPP, Vương quốc Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên, lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi (với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%), cao gần gấp đôi lượng hạn ngạch gạo mà Vương quốc Anh cam kết chung cho các nước CPTPP khác.