'Tân binh' SUV tầm giá 600 triệu đồng cạnh tranh thế nào tại Việt Nam?

Omoda C5 và Geely Coolray là 2 tân binh đến từ Trung Quốc bên cạnh loạt cựu binh từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Vài năm gần đây, phân khúc SUV đô thị là cuộc đua của nhiều đại diện chạy xăng "sừng sỏ" cả cũ lẫn mới đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, chẳng hạn Mitsubishi Xforce (599-680 triệu đồng), Honda HR-V (699-871 triệu đồng), Toyota Yaris Cross (650-765 triệu đồng), Hyundai Creta (599-699 triệu đồng) hay Kia Seltos (599-799 triệu đồng).

Đối với các đại diện từ Trung Quốc, 2 cái tên nổi bật từng cạnh tranh là MG ZS (624-739 triệu) và Beijing X7 (từ 678 triệu đồng). Bước sang năm 2024, nhóm xe này càng chật chội hơn với sự xuất hiện của loạt mẫu xe mới từ Trung Quốc như BYD Dolphin (659 triệu) và Omoda C5 (589-669 triệu) và sắp tới là Geely Coolray.

Trong số các đại diện Trung Quốc, 2 mẫu xe được ra mắt gần nhất là Coolray và C5 được đánh giá có khả năng bám đuổi doanh số với đối thủ Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tại thị trường quốc tế như Thái Lan hay Malaysia, Geely Coolray và Omoda C5 tạo nên cuộc đua song mã thú vị ở phân khúc SUV cỡ B.

Ở tầm giá 600 triệu đồng, phiên bản cao nhất của cả 2 mẫu xe đều mang tên Flagship. Vậy C5 Flagship và Coolray Flagship lấy gì để cạnh tranh với đại diện Hàn Quốc hay Nhật Bản cùng tầm giá?

Omoda C5 trẻ trung

Về thiết kế, cả 2 mẫu xe đều là phiên bản thế hệ cũ so với bản hiện hành tại thị trường quốc tế. Tuy nhiên các chi tiết ngoại thất vẫn thể hiện rõ sự khác biệt về ngôn ngữ thiết kế. Omoda C5 thu hút ánh nhìn của khách hàng trẻ tuổi với phong cách thiết kế mới, nổi bật với cụm lưới tản nhiệt không viền và cụm đèn LED dáng chữ T cách điệu.

Geely Coolray (trái) và Omoda C5 (phải). Ảnh: Đan Thanh & Vĩnh Phúc.

Geely Coolray (trái) và Omoda C5 (phải). Ảnh: Đan Thanh & Vĩnh Phúc.

Trong khi đó Coolray mang phong cách "Mỹ" hơn. Nhìn vào mặt ca lăng của Geely Coolray, người dùng dễ liên tưởng đến những mẫu SUV từ Ford hay Chevrolet với lưới tản nhiệt viền đỏ và cặp đèn chiếu sáng ban ngày full LED kiểu cũ.

Ở bản Flagship, cả 2 mẫu xe đều được trang bị cụm đèn full LED cùng gương chiếu hậu chỉnh, gập điện.

Dàn chân 18 inch cùng ốp mâm viền đỏ phong cách thể thao kết hợp với thiết kế ngoại thế trẻ trung khiến Omoda C5 trở thành lựa chọn cho những khách hàng yêu thích phong cách năng động. Trong khi đó, bộ mâm nan phi tiêu trên Geely Coolray khiến mẫu SUV trở nên mạnh mẽ hơn. Điểm khác biệt lớn nhất ở 2 phiên bản nằm ở đuôi xe.

Phần đuôi dáng coupe của Omoda C5 trông quen mắt với cánh lướt gió cỡ nhỏ kiểu "đuôi vịt", kết hợp cùng dải LED nối liền cặp đèn hậu. Đây là phong cách thiết kế thường gặp ở những mẫu SUV Trung Quốc hiện nay.

Trong khi đó, phần đuôi của Coolray Flagship tạo điểm nhấn với chi tiết đuôi lướt gió cỡ lớn kiểu thể thao, đi cùng cặp đèn hậu rời nối liền bằng dải chrome. Điểm đáng tiếc là cốp của Coolray bản cao cấp vẫn là loại mở cơ, thay vì mở điện như Omoda C5.

Cánh lướt gió kiểu thể thao trên Geely Coolray.

Cánh lướt gió kiểu thể thao trên Geely Coolray.

Nếu đặt cạnh các đối thủ Hàn Quốc hay Nhật Bản, Omoda C5 cho thấy sức hấp dẫn nhất định, thậm chí ăn điểm trong mắt khách hàng trẻ hơn nhờ kiểu thiết kế thể thao.

Nội thất Omoda C5 chiếm ưu thế

Nội thất ở phiên bản Flagship của cả 2 mẫu xe đều được trang bị khá đầy đủ, thậm chí có phần "thừa" so với phân khúc xe hạng B. Số đo màn hình trung tâm giống hệt nhau (10,25 inch), cùng được trang bị Apple Carplay. Tuy nhiên đối với Coolray, khách hàng sử dụng điện thoại hệ điều hành Android phải kết nối thông qua cáp USB, ứng dụng QDLink.

Độ nhạy của màn hình giải trí trung tâm trên Omoda C5 cũng làm tốt hơn so với đối thủ đồng hương. Đối với màn hình của Geely Coolray bản Flagship, dù độ rõ nét vẫn nằm ở mức tương đối nhưng tốc độ xử lý thông tin chậm hơn. Trên Omoda C5 có thêm tính năng tái tạo hình ảnh dưới gầm xe ở chế độ quan sát camera 360.

Nội thất trên Geely Coolray.

Nội thất trên Geely Coolray.

Vô lăng trên Omoda C5 và Coolray Flagship đều là loại bọc da, trợ lực điện điều chỉnh hướng. Dựa trên trải nghiệm thực tế, dù đều trợ lực điện, vô lăng của C5 cho cảm giác nhẹ nhàng hơn so với Coolray.

Hệ thống làm mát trên C5 cũng chiếm ưu thế khi được trang bị điều hòa 2 vùng độc lập, trong khi ở Coolray bản cao nhất vẫn là điều hòa tự động một vùng. Ghế lái trên cả 2 mẫu xe phiên bản cao nhất đều được bọc da và chỉnh điện. Ở Omoda C5, ghế phụ cũng được trang bị thêm tính năng chỉnh điện 4 hướng.

Khu vực táp lô ở Omoda C5. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Khu vực táp lô ở Omoda C5. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Nếu chỉ xét về trang bị ngoại/nội thất, Omoda C5 đang làm tốt hơn đồng hương. Tuy nhiên nếu so về cảm giác lái, tân binh của Geely lại cho thấy sự khác biệt.

Geely Coolray mạnh mẽ hơn

Cả 2 xe đều được lắp máy xăng 1.5 Turbo nhưng chênh lệch về công suất, lần lượt là 177 mã lực (Geely Coolray) và 145 mã lực (Omoda C5). Coolray cũng cho thấy rõ ưu thế về mô men xoắn (255 Nm) so với Omoda C5 (210 Nm).

Công suất và mô men xoắn chênh lệch giúp Coolray trở nên bốc những nốt đạp ga đầu, hiệu suất vận hành cũng ổn định và mạnh mẽ hơn so với C5.

Khi chạy ở các đoạn đường gồ ghề, hệ thống treo của Geely Coolray cũng thể hiện tốt hơn. Khi sang số, mẫu SUV cỡ B này cũng giữ được sự ổn định so với đồng hương Omoda C5. Có thể thấy việc được hoàn thiện tại Malaysia giúp ích nhiều cho Geely Coolray trong việc hoàn thiện khả năng vận hành, khi nước này vốn nổi tiếng với lái xe ở tốc độ cao.

Hệ thống cách âm trên Omoda C5 và Geely Coolray đều xử lý tốt các tiếng ồn từ động cơ trong đô thị. Đặc biệt ở những đoạn đường nhiều đá dăm tiếng ồn từ hốc bánh xe của Coolray được giảm đáng kể so với đối thủ cùng quê.

Omoda C5 (trái) và Geely Coolray (phải).

Omoda C5 (trái) và Geely Coolray (phải).

Cả 2 xe đều được trang bị công nghệ hỗ trợ người lái ADAS. Đặc biệt, Coolray là cái tên hiếm hoi trong phân khúc sở hữu chế độ Lim (giới hạn tốc độ) được tích hợp sẵn trên vô lăng. Ngoài ra, đây cũng là mẫu xe duy nhất trong phân khúc cỡ B sở hữu tính năng hỗ trợ đỗ xe thông minh (full parking assist).

Chờ đợi nhân tố mới

Nhìn chung, Geely Coolray là lựa chọn thích hợp cho khách hàng tập trung vào cảm giác lái, với động cơ mạnh mẽ hơn và đủ công nghệ cho những người thích sự hiện đại, nổi bật là hỗ trợ đỗ xe tự động. Trong khi đó Omoda C5 là mẫu xe hướng đến yếu tố thời trang, thích hợp cho khách hàng trẻ, mong muốn trải nghiệm không gian hiện đại và nhiều công nghệ khi di chuyển.

Nếu như Omoda C5 đã chốt mức giá bán, thì Coolray vẫn còn khoảng 1 tháng trước khi chính thức ra mắt tại Việt Nam. Mức giá tốt có thể khiến Coolray cạnh tranh được với đồng hương MG ZS và cao hơn nữa là các mẫu xe tới từ Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tan-binh-suv-tam-gia-600-trieu-dong-canh-tranh-the-nao-tai-viet-nam-post1533796.html
Zalo