'Siết' quản lý xuất xứ hàng hóa

Trong bối cảnh thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại leo thang đã dẫn đến các hành vi gian lận thương mại, trong đó gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp nhằm tránh các biện pháp trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngày 15/4/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 09/CT-BCT về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới.

Chỉ thị 09/CT-BCT nêu rõ, hiện nay, tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, nhạy cảm đặc, biệt khi Mỹ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng đối với nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Việt Nam.

Trong khi đó, căng thẳng thương mại leo thang dẫn đến các hành vi gian lận thương mại, trong đó gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp nhằm tránh các biện pháp trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Nhằm thích ứng tình hình mới, thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững và bảo đảm lợi ích hài hòa trong thực thi các FTA và cam kết quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc và cơ quan cấp C/O triển khai đồng bộ các nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc và cơ quan cấp C/O triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nhằm thích ứng tình hình mới.

Trong đó, Cục Xuất nhập khẩu được giao chủ trì xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp lý liên quan đến cấp C/O theo quy định mới, bảo đảm thông suốt các hoạt động cấp C/O ưu đãi, không ưu đãi, REX, CNM. Phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh giám sát, xác minh xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, nhất là nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Chỉ đạo các tổ chức cấp C/O tăng cường kiểm tra tiêu chí xuất xứ, ngăn gian lận, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ uy tín hàng Việt.

Vụ Pháp chế phối hợp xây dựng khung pháp lý phù hợp Luật Tổ chức Chính phủ và Chính quyền địa phương 2025. Cùng Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Hải quan tăng cường kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nâng cấp hệ thống eCoSys, bổ sung tính năng xử lý dữ liệu, thúc đẩy số hóa, đơn giản thủ tục cấp C/O.

Vụ Phát triển thị trường nước ngoài chỉ đạo Thương vụ Việt Nam cập nhật thông tin về quy định xuất xứ tại nước sở tại, phối hợp các đơn vị cung cấp thông tin chính sách phục vụ kiểm soát xuất xứ.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đẩy mạnh kiểm tra, xử lý hành vi sử dụng nguyên liệu nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc để sản xuất hàng xuất khẩu. Phối hợp Sở Công Thương các địa phương và Cục Xuất nhập khẩu kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cục Phòng vệ thương mại thực hiện nhiệm vụ theo Đề án 824/QĐ-TTg và Kế hoạch 2094A/QĐ-BCT về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.

Trong khi đó, Vụ Chính sách thương mại đa biên được yêu cầu theo dõi, xử lý vướng mắc về quy tắc xuất xứ trong FTA, đề xuất biện pháp bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế. Văn phòng Bộ và các vụ, cục liên quan phối hợp Cục Xuất nhập khẩu theo chức năng được giao. Các tổ chức cấp C/O thực hiện nghiêm việc cấp, kiểm tra, xác minh xuất xứ. Tăng cường giám sát doanh nghiệp có lượng hồ sơ tăng đột biến; kịp thời báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý vi phạm...

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/-siet-quan-ly-xuat-xu-hang-hoa/20250416090651798
Zalo