Tâm lý tích trữ đồ ăn trong dịp Tết: Làm sao đảm bảo an toàn?
Lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo quản đúng quy cách cần được chú trọng để mâm cỗ ngày Tết không chỉ ngon miệng mà còn đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
Thói quen mua sắm, tích trữ quá mức của nhiều gia đình trong những ngày cuối năm khiến việc bảo quản thực phẩm trở nên khó khăn. Nếu không được lưu trữ đúng cách thực phẩm rất dễ bị hư hỏng, mất chất dinh dưỡng, thậm chí sinh ra vi khuẩn gây ngộ độc.
Đặc biệt, các món ăn truyền thống ngày Tết như giò, chả, bánh chưng, dưa món thường được chế biến sẵn hoặc bảo quản lâu ngày, nếu không kiểm soát tốt chất lượng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Chị H.K (39 tuổi, ngụ Tây Ninh) cho biết nhà chị cách chợ khoảng 10km. Vì vậy, gia đình thường có thói quen những ngày gần Tết mua các loại thực phẩm từ thịt, cá, rau củ cho đến bánh kẹo và đồ khô để tủ lạnh dùng dần trong vài ngày Tết.
"Giá cả tăng cao dịp đầu năm, bên cạnh đó, nhà cũng không gần chợ nên tôi đã duy trì thói quen tích trữ thực phẩm dùng trong vài ngày Tết từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, gần đây, đọc tin tức về các vụ ngộ độc khiến tôi cũng lo ngại và thắc mắc làm sao bảo quản các loại thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả cũng như một số loại bánh… để phòng ngừa ngộ độc" - chị K. chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Kim Chi, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cho biết việc lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo quản đúng quy cách và kiểm soát thời hạn sử dụng cần được chú trọng để mâm cỗ ngày Tết không chỉ ngon miệng mà còn đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đầu tiên, cần mua sắm có kế hoạch như tính toán lượng thực phẩm cần dùng theo số người và số ngày nghỉ. Mua đủ dùng, tránh lãng phí hoặc tích trữ quá nhiều thực phẩm chế biên sẵn. Khi mua ưu tiên những thực phẩm lành mạnh như nên lựa chọn rau củ quả tươi, thực phẩm tươi sống, ngũ cốc nguyên hạt. Tránh các thực phẩm chứa nhiều đường (kẹo, bánh, trái cây khô), đồ chiên rán, thức ăn nhanh như pizza, hamburger.
Chọn thực phẩm từ các cơ sở uy tín, có nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng. Nếu có thể, hãy tự chế biến các món như dưa chua, mắm tép tại nhà để kiểm soát nguyên liệu và phụ gia.
Khi bảo quản, các thực phẩm đông lạnh cần giữ ở nhiệt độ thích hợp. Đồ ăn thừa cần được đóng gói kín và bảo quản trong tủ lạnh để tránh ôi thiu. Đối với các loại thực phẩm cần làm lạnh nên bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C trong ngăn mát, và dưới -18 độ C trong ngăn đông. Đối với thực phẩm khô cần bảo quản nơi thoáng mát, tránh côn trùng và chuột.
Lưu ý, cần đánh dấu ngày mua và hạn sử dụng trên hộp đựng để ưu tiên sử dụng thực phẩm cũ trước. Đặc biệt, cần tuân thủ nguyên tắc "chín, sống" riêng biệt, sử dụng thớt và dao riêng cho thực phẩm sống và chín. Việc bảo quản thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín cần để riêng vì có thể gây nhiễm chéo vi khuẩn gây bệnh.
BS Chi khuyến cáo nếu thực phẩm có mùi lạ, thay đổi màu sắc hoặc đã quá hạn sử dụng, nên bỏ đi để tránh nguy cơ ngộ độc. Các món như mắm, dưa chua, kiệu nên ăn với lượng vừa phải để tránh ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt với người có nguy cơ cao như người lớn tuổi hoặc người bị bệnh nền.