Tam Đường: Tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư
Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' được huyện Tam Đường triển khai sâu rộng, hiệu quả, thiết thực. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Tam Đường là huyện cửa ngõ của tỉnh, có 13 xã, thị trấn, 126 bản, trên 5,8 vạn người, gồm 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, trên 85% dân tộc thiểu số. Để đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vào thực tiễn cuộc sống, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tham mưu cho UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo các xã, thị trấn nâng cao chất lượng gia đình, làng bản, tổ dân phố văn hóa và khu dân cư tiên tiến. Trong đó, huyện chú trọng nâng cao hoạt động ngày hội văn hóa thể thao dân tộc tại các khu dân cư, tổ, bản. Từ đó, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu đi đầu trong mọi phong trào. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của bà con đóng góp sức người, sức của, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhờ vậy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện đã có bước chuyển biến rõ rệt cả về quy mô và chất lượng. Các khu dân cư, thôn bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa và tiên tiến năm sau cao hơn năm trước. Năm 2024, huyện có 124 bản được công nhận danh hiệu văn hóa; 97,7% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa; 11.265 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 95% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Điểm nổi bật trong những năm qua, các xã, thị trấn tổ chức lễ hội truyền thống của các dân tộc thu hút đông đảo du khách tham dự như: xòe chiêng ở xã Bản Bo; Bun Vốc Nặm (té nước) ở xã Nà Tăm; Sú Khon Khoài (cúng hồn trâu) ở xã Bản Hon…
Đặc biệt, huyện xây dựng được nhiều mô hình bản cộng đồng văn hóa du lịch tiêu biểu như: Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), Thèn Pả (xã Tả Lèng), Lao Chải 1 (xã Khun Há) và bản Thẳm (xã Bản Hon). Nhờ thực hiện tốt hương ước nếp sống văn hóa, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống: dệt, thêu, đan lát… Từ đó, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống cho bà con.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch UBND xã Bản Hon cho biết: “Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên quan tâm xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lự như: thêu, dệt trang phục váy, áo và đan lát. Xã duy trì hiệu quả bản văn hóa du lịch cộng đồng bản Thẳm với dịch vụ homestay, ẩm thực và đội văn nghệ. Năm 2024, toàn xã có 98% số hộ đạt gia đình văn hóa”.
Về thăm bản Thèn Pả (xã Tả Lèng), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê với những căn nhà homestay khang trang, cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng. Thứ 7, chủ nhật hàng tuần, người dân tự nguyện quét dọn, khơi thông rãnh thoát nước đường làng, ngõ xóm; trồng hoa, cây cảnh xây dựng bản làng xanh, sạch, đẹp. Đồng thời thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cụ thể, người dân không sinh con thứ 3 trở lên, không tảo hôn, thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. 100% hộ dân trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm, ma túy.
Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn lồng ghép công tác tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vào các buổi họp bản. Trưởng, phó bản nhắc nhở người dân động viên con, cháu đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau; gương mẫu xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.
Nhờ triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Tam Đường thực hiện các giải pháp phát triển văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư trong hoạt động văn hóa, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.