Đậm đà bản sắc Mường Lay
Như một lời hẹn, đã chục năm nay cứ vào dịp đầu năm dương lịch, nhân dân các dân tộc thị xã Mường Lay cùng du khách thập phương lại nô nức hướng về 'thị xã nơi ngã ba sông' vui hội đua thuyền đuôi én, về với Mường Lay giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Nằm gọn trong thung lũng nơi ngã ba sông gồm sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay, Mường Lay giờ đây hình thành khu đô thị hiện đại khép mình bên dòng sông Đà. Với đặc trưng truyền thống đồng bào dân tộc Thái trắng, Mường Lay chứa đựng nhiều bản sắc văn hóa khá độc đáo. Đối với đồng bào dân tộc nơi đây, sông Đà gắn liền với quá trình định cư, lập bản và trở thành nhân chứng biết bao sự đổi thay của người Thái trắng nơi “cuối trời Tây Bắc”.
Trải qua nhiều đời sinh sống bên những dòng sông, con suối, thuyền đuôi én có vai trò quan trọng từ sinh hoạt sản xuất đến văn hóa tín ngưỡng của cư dân thị xã Mường Lay. Từ xa xưa trên chiếc thuyền đuôi én, người Thái trắng Mường Lay đã lao động sản xuất đánh bắt cá tôm. Những đổi thay trong quá trình phát triển khiến thuyền máy dần thay thế thuyền đuôi én của người dân.
Với mục đích phát huy, gìn giữ và bảo tồn truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc Thái trắng, từ năm 2015 Đảng bộ, chính quyền thị xã Mường Lay đã khôi phục lễ hội đua thuyền đuôi én. Lễ hội thường được tổ chức vào dịp đầu năm dương lịch (khoảng tháng 12 âm lịch) và được phục dựng nhiều nét văn hóa gắn bó với đời sống cư dân Thái trắng dọc sông Đà.
Lễ hội đua thuyền đuôi én được chia làm hai phần lễ và hội. Trước khi vào phần quan trọng của lễ hội là lễ tế thần sông nước, các vị thần cai quản bản mường. Theo tiếng Thái ở Mường Lay, nghi lễ cúng này được gọi là “Tế ta”. Các thầy cúng, nghệ nhân, già làng, trưởng bản tiến hành các nghi thức truyền thống cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tôm cá sinh sôi nảy nở, người dân có cuộc sống ấm no, vui mở hội.
Nghệ nhân Vàng Văn Thức, chủ tế Lễ tế thần sông nước cho biết: Từ bao đời nay, lễ tế thần sông nước là phần không thể thiếu của lễ hội. Lễ tế không chỉ là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn với thiên nhiên, mà còn là cơ hội để cộng đồng cầu chúc cho một năm mới đủ đầy, mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh và mọi việc hanh thông.
Sau khi nghi lễ kết thúc là phần hội đua thuyền đuôi én, phần quan trọng và thu hút nhiều người đến tham gia cổ vũ nhất. Năm nay, Lễ hội đua thuyền đuôi én thu hút sự tham gia của 19 đội; trong đó, 6 đội đến từ huyện Mường Chà, Tủa Chùa và các huyện lân cận của tỉnh Lai Châu, Sơn La; còn lại là đội thi của các xã, phường, đơn vị trên địa bàn Mường Lay. Đến giờ thi đấu, các thuyền đua cùng vận động viên vào vị trí xuất phát theo quy định. Khi trống lệnh nổi lên, thuyền đua đồng loạt lao vun vút về phía trước. Những chiếc thuyền lướt nhanh trên mặt nước trước sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý chèo lái của các vận động viên. Hai bên bờ sông, tiếng reo hò, cổ vũ của người dân và du khách vang dội cả một vùng sông nước.
Anh Khoàng Văn Đức, tay chèo đến từ bản Ló, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay cho biết: Thuyền đuôi én có từ thời ông cha chúng tôi để đánh bắt cá tôm. Hiện nay chúng tôi vẫn sử dụng thuyền đuôi én để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Tham gia đua thuyền, đội thuyền chúng tôi đã tuyển chọn những người có kinh nghiệm lâu năm. Tại đây chúng tôi có cơ hội gắn kết, học hỏi và giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.
Kết thúc lễ hội, có đội thắng, đội thua, nhưng dù kết quả có như nào thì ai nấy cũng đều chung một tâm trạng phấn khởi, vui vẻ với mong ước năm mới mưa thuận, gió hòa, được mùa, bản làng bình yên, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Là du khách đến từ Bắc Ninh, chị Bùi Minh Phương cùng bạn bè vượt hơn 500km đến với thị xã Mường Lay. Qua lời giới thiệu của bạn bè và thông tin chia sẻ trên mạng xã hội facebook, chị Phương mong muốn tìm hiểu và khám phá thị xã nhỏ bé nằm bên dòng sông Đà và mục sở thị cuộc đua thuyền có một không hai trên vùng đất Tây Bắc.
Chị Phương chia sẻ: Tôi rất vui khi đến Mường Lay, được hòa mình vào không khí của lễ hội đua thuyền. Nhìn những chiếc thuyền đuôi én đua nhau lướt trên mặt hồ khiến tôi rất háo hức. Đây thực sự là một trải nghiệm mới, đầy thú vị. Người dân thân thiện, khung cảnh trên bến dưới thuyền rất đẹp, tôi sẽ quay lại đây vào một dịp gần nhất.
Cùng với những hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi ban ngày, về đêm thị xã Mường Lay lại rộn ràng, vui tươi và bản sắc với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trong những ngày diễn ra Lễ hội Đua thuyền đuôi én, mỗi tối nhân dân và du khách đều được trải nghiệm không gian văn hóa mang đậm sắc màu các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung và văn hóa Thái trắng Mường Lay nói riêng. Từ múa xòe, múa khăn, múa nón truyền thống của dân tộc Thái đến múa ô, múa khèn của dân tộc Mông hay những vũ điệu vui tươi của dân tộc Dao.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay Hoàng Văn Quyền, Lễ hội đua thuyền đuôi én đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người Mường Lay. Qua lễ hội góp phần tiếp nối những truyền thống tốt đẹp, khơi nguồn sáng tạo của cha ông, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, cùng nhau rèn luyện sức khỏe và xây dựng đời sống mới.
Với những nét văn hóa đặc sắc, Lễ hội đua thuyền đuôi én ở thị xã Mường Lay tái hiện đầy đủ quá trình phát triển, lao động sản xuất, đời sống văn hóa tinh thần của người Thái trắng nói riêng và các dân tộc cùng sinh sống ở Mường Lay nói chung. Bức tranh Mường Lay đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nơi ngã ba sông với phong cảnh hữu tình non xanh nước biếc đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách bốn phương.